Hà Nội

Hà Nội không chỉ là thủ đô của Việt Nam mà còn là trung tâm du lịch lớn của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đến với Hà Nội du khách sẽ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác bởi những công trình kiến trúc cổ kính như văn miếu Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, Thăng Long Tứ Trấn…hay sự nhẹ nhàng, bình dị nhưng cũng không kém phần tinh tế của phố cổ Hà Nội.

Đến với Hà Nội gần như du khách nào cũng thích thú với việc dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi gắn liền với truyền thuyết trả gươm báu cho rùa thần hay phóng xe ra vùng ngoại ô để đến với các làng nghề truyền thống. Chính những làng nghề đó đã thổi hồn cho Hà Nội, làm cho thủ đô trở sống động và hấp dẫn hơn trong mắt du khách.

Nên đi du lịch Hà Nội thời gian nào?

Du khách gần như có thể đi du lịch Hà Nội vào bất kì thời điểm nào trong năm nhưng nếu được hãy chọn 2 khung thời gian sau đây. Thứ nhất là sau tết nguyên đán từ tháng 1 tới tháng 3, lúc này có rất nhiều lễ hội được diễn ra quanh khu vực Hà Nội. Thứ hai là từ tháng 9 tới cuối năm, thời điểm của mùa thu. Hà Nội lúc này cực kì lãng mạn với những con đường rợp lá trong cái tiết trời se lạnh cuối năm.

Đi du lịch Hà Nội bằng phương tiện nào thì hợp lí nhất?

Với những du khách ở Sài Gòn thì có khá nhiều sự lựa chọn về phương tiện di chuyển đến với Hà Nội như xe khách, xe lửa nhưng tiện lợi và nhanh chóng nhất phải là máy bay. Hiện nay mỗi ngày có hàng chục chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar…

Hướng dẫn đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội

Sân bay Nội Bài cách trung tâm thủ đô chừng 30km, du khách có thể lựa chọn một trong những phương tiện di chuyển như sau.
Xe bus công cộng: xe bus nằm ngay phía trước của sân bay Nội Bài, du khách chỉ việc di chuyển một đoạn không xa lắm. Bến cuối của tuyến xe bus này về ngay phố cổ, nơi có nhiều khách sạn cho du khách lưu trú. Ưu điểm là giá vé rẻ nhưng xe chỉ chạy ban ngày, không chạy vào ban đêm.
Xe bus sân bay: đội xe bus này là của các hãng hàng không, chất lượng tốt hơn và giá vé cũng cao hơn so với xe bus công cộng. Xe chạy ban ngày theo một lịch trình cố định và bến cuối thường là văn phòng của các hãng hàng không. Giá từ 50k/người.
• Taxi sân bay: đây là những hãng taxi chuyên đưa đón sân bay, giá niêm yết rõ ràng từ 250 – 300k/chuyến xe 4 hoặc 7 chỗ. Các bạn đi theo nhóm 3-4 người thì đây là phương tiện tối ưu nhất. Các hãng taxi sân bay phổ biến có Airport, Mai Linh

Phương tiện di chuyển ở Hà Nội
Ở Hà Nội du khách có thể thuê xe máy, đi xe bus hoặc taxi để đến với các điểm tham quan nằm ở khu vực trung tâm hoặc xa hơn là ra ngoại thành.
Địa điểm thuê xe máy
Khi các bạn đặt dịch vụ lưu trú thì có thể hỏi xem tại khách sạn của mình có dịch vụ thuê xe máy hay không vì thuê xe ở khách sạn sẽ tiện hơn rất nhiều so với việc thuê xe ở bên ngoài.
• Mr Hưng: 0983969687.
• Mr Hữu: 0912265529.
• Mr Lâm: 01226743863.
• Mr Cao: 0912094464.
• Mr Quân: 0904244941.
• Mr Phương: 0904222445.

Các hãng taxi ở Hà Nội
• Taxi Đông Đô: 04.38 57 45 74.
• Taxi Hanoi Tourist: 04.38 56 56 56.
• Taxi Mai Linh: 04.38 222 666.
• Taxi 3A: 04.38 57 57 57.
• Taxi Đại Phúc: 04.38 83 83 83.
• Taxi Gas Petrolimex: 04.36 28 28 28.

Dịch vụ lưu trú ở Hà Nội

Hà Nội có cơ sở hạ tầng phát triển rất tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú, du khách tùy theo nhu cầu của mình có thể chọn từ khách sạn 5 sao sang trọng, đẳng cấp cho tới khách sạn bình dân giá rẻ. Có ba khu vực chính ở Hà Nội tập trung nhiều khách sạn nhà nghỉ:
• Khu vực phố cổ: đây là nơi được nhiều du khách lựa chọn nhất bởi đơn giản vì nó nằm ở vị trí trung tâm, gần nhiều điểm tham quan, giải trí. Phòng ở đây tuy đẹp nhưng khá nhỏ, giá phòng cao hơn ở những nơi khác.
• Khu vực Ba Đình – Văn Miếu: ở đây thì có nhiều khách sạn rộng và đẹp hơn tuy nhiên không gần những điểm vui chơi giải trí về đêm.
• Khu vực hồ Tây: tập trung nhiều khách sạn, resort đẳng cấp, tiêu chuẩn từ 4-5 sao trở lên. Phù hợp với du khách thích sự sang trọng, không gian riêng tư.
Các bạn có thể tham khảo và đặt phòng thông qua các website đặt phòng trực tuyến như Agoda, Booking…giá phòng sẽ rẻ hơn so với đặt trực tiếp tại khách sạn. Ngoài ra các bạn còn được so sánh về dịch vụ, hình ảnh, chất lượng phòng.

Các điểm tham quan chính ở Hà Nội

Văn miếu Quốc Tử Giám
Đây là điểm tham quan hàng đầu của Hà Nội, là trường đại học đầu tiên của nước ta. Văn miếu Quốc Tử Giám cũng nằm trong danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Bên trong có đền thờ, những tấm bia đá khắc họa tên tuổi các tiến sĩ đỗ đạt thời phong kiến. Công trình kiến trúc Khuê Văn Các cũng được chọn là biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Địa chỉ: 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Giá vé 10k/khách.

Hồ Hoàn Kiếm
Hay còn được gọi là hồ Gươm, hồ nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô với cảnh quan rất đẹp của những hàng cây bao bọc xung quanh hồ. Trong hồ còn có đền Ngọc Sơn, tháp Rùa Nơi đây còn lưu giữ truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa Vàng sau khi đánh thắng giặc Minh.
Địa chỉ: phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.

Lăng Bác
Lăng Bác cùng với quảng trường Ba Đình được xem là trái tim không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của cả nước ta. Đây là nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam và cũng chính tại đây là nơi yên nghỉ của Bác. Du khách sẽ lần lượt vào viếng Bác ở trong Lăng sau đó ra phía ngoài tham quan các di tích như chùa một cột, nhà sàn, khuôn viên phủ chủ tịch.
Địa chỉ: Quảng trường Ba Đình, phố Hùng Vương, quận Ba Đình. Lưu ý mỗi năm Lăng Bác đóng cửa vào tháng 10, 11 để tu bổ định kỳ. Du khách vào viếng phải tuân theo quy định, ăn mặc chỉnh tề, không được phép chụp ảnh, quay phim.

Hoàng thành Thăng Long
Đây được xem là di tích lịch sử quan trọng bậc nhất gắn liền với sự phát triển của kinh thành Thăng Long, cuộc khai quật đầu tiên được tiến hành vào năm 2002 đã phát lộ những dấu vết của hoàng thành Thăng Long trải dài suốt 13 thế kỉ với nhiều triều đại phong kiến khác nhau. Năm 2010 di tích này cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Địa chỉ: 18 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình. Giá vé 30k/khách. Tham quan từ thứ 3 tới chủ nhật, thứ 2 đóng cửa.

Nhà hát lớn Hà Nội
Một công trình kiến trúc Pháp tuyệt đẹp được xây dựng vào năm 1901 và đưa vào sử dụng năm 1911, đây là phiên bản thu nhỏ của nhà hát Opera Garnier ở thủ đô Paris. Đây là nơi thường xuyên diễn ra những hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Những loại hình nghệ thuật như nhạc giao hưởng, nhạc kịch, hợp xướng, kịch nghệ cũng được hình thành và phát triển từ đây. Đây cũng là nơi quốc hội nhóm họp và thông qua hiến pháp đầu tiên năm 1946.
Địa chỉ: 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò được Pháp xây dựng vào năm 1896 trên mảnh đất vốn là làng nghề truyền thống làm gốm có tiếng ở Hà Nội. Nhà tù được xem là địa ngục trần gian với những người bị giam giữ bởi nó có rất nhiều hình thức tra tấn dã man và chế độ ăn uống kham khổ. Hỏa Lò từng là nơi giam giữ nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Cừ…
Địa chỉ: 1 phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm. Giá vé 20k/khách.

Chùa Trấn Quốc
Chùa nằm trên một hòn đảo của hồ Tây, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của kinh thành Thăng Long với lịch sử hơn 1.000 năm. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với không gian nhẹ nhàng, bình yên của hồ Tây. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long xưa nên chùa thu hút rất đông Phật tử và du khách ghé thăm mỗi năm.
Địa chỉ: đường Thanh Niên, hồ Tây.

Bảo tàng dân tộc học
Bảo tàng dân tộc học là nơi du khách có thể tìm hiểu về các dân tộc ở Việt Nam, về văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội độc đáo của 54 dân tộc khác nhau. Với diện tích khoảng 4,5ha được chia thành nhiều khuôn viên khác nhau như: tòa nhà Trống đồng, vườn kiến trúc giới thiệu 10 công trình kiến trúc dân gian tiêu biểu của 10 dân tộc Việt Nam, tòa nhà cánh diều.
Địa chỉ: phố Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy. Giá vé 40k/khách.

Đền Quán Thánh
Đền còn có tên gọi khác là Trấn Vũ quán được xây dựng từ đời Lý Thái Tổ thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thần án ngữ tại 4 cửa ngõ của kinh thành Thăng Long bảo vệ cho vùng đất này. Nổi bật nhất của khu đền chính là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen với chiều cao 3,96m và nặng trên 4 tấn.
Địa chỉ: ngay góc đường Thanh Niên và phố Quán Thánh, quận Ba Đình.

Làng cổ Đường Lâm
Đường Lâm là làng cổ đầu tiên được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2006. Ngôi làng tọa lạc tại thị xã Sơn Tây cách thủ đô Hà Nội hơn một giờ di chuyển. Đường Lâm vẫn còn gìn giữ và bảo tồn được những ngôi nhà cổ, đình làng, đền thờ từ hàng trăm năm trước. Lịch sử ghi nhận lại làng quê bình yên này chính là nơi chon nhau cắt rốn của vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và nhiều danh nhân nổi tiếng khác.
Địa chỉ: làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Làng gốm Bát Tràng
Nằm ở ngoại thành của Hà Nội thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Bát Tràng là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của đồng bằng Bắc Bộ với những sản phẩm gốm rất đẹp và tinh tế. Du khách đến đây ngoài việc tìm hiểu về nghề làm gốm còn được tự mình trải nghiệm để làm ra những sản phẩm xinh xắn, đáng yêu. Nếu được hãy thử qua cảm giác đi xe trâu khám phá làng gốm rất thú vị.
Địa chỉ: xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Chùa Hương
Chùa Hương hay Hương Sơn là tên gọi chung cho một quần thể di tích bao gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần, các ngôi đình có tín ngưỡng nông nghiệp. Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Từ bến thuyền du khách sẽ lên đò chèo băng qua dòng suối Yến để đến với danh thắng chùa Hương và động Hương Tích. Chúa Trịnh Sâm khi đặt chân đến đây cũng cảm khái mà phong tặng cho động Hương Tích danh hiệu “Nam Thiên Đệ Nhất Động”.

Phố cổ Hà Nội
Phố cổ Hà Nội hay còn có tên gọi trước kia là Hà Nội 36 phố phường bao gồm rất nhiều con phố khác nhau, mỗi phố sẽ kinh doanh một mặt hàng hoặc làm cùng một nghề như phố Hàng Bạc, Hàng Than, Hàng Đào…Ngày nay phố cổ Hà Nội không chỉ bảo tồn được các công trình kiến trúc cổ mà còn là trung tâm du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới lưu trú và vui chơi, giải trí.

Địa điểm ăn uống ở Hà Nội

Nem chua nướng
Đây là món ăn chơi rất được các bạn trẻ Hà Nội cũng như du khách thích thú và ủng hộ, khác với nem rán thường có màu vàng và hơi khô thì nem chua nướng vẫn giữ được màu đỏ của thịt, phía bên ngoài có một lớp màng mỏng như lớp keo bao bọc. Tương ớt là thứ không thể thiếu để món ăn này thêm phần hấp dẫn.
Địa chỉ: 10 Ấu Triệu.

Nem rán
Cũng là nem chua nhưng được rán lên và có màu vàng bắt mắt ở phía bên ngoài và dậy mùi thơm đặc trưng, món này ăn ngon nhất là lúc nóng. Vừa chấm chút tương ớt, cắn một miếng dưa leo cho đỡ ngán. Nem chua rán mà ăn trong mùa đông Hà Nội thì không còn gì bằng.
Địa chỉ: nem rán ngõ Tạm Thương.

Bún ngan
Món ăn quen thuộc của người dân thủ đô, đặc biệt là những bạn trẻ đi chơi đêm về đói bụng và hầu như nhiều người đều nghĩ ngay tới bát bún ngan thơm bốc khói. Để có một tô bún ngan ngon thì đòi hỏi nhiều yếu tố, đầu tiên phải là nước dùng, phải là nước dùng nấu từ xương ngan mới đúng điệu, thịt ngan có thể chặt từng miếng kèm xương hay xé nhỏ ra thì tùy theo mỗi quán. Một số quán còn thêm các nguyên liệu ăn kèm như mọc, tiết ngan, măng khô…và cuối cùng là nước chấm, cái này thì mỗi quán mỗi kiểu, không trộn lẫn vào đâu được.
Địa chỉ: bún ngan Nhàn ngõ Trung Yên.

Bánh cuốn
Một món ăn nức tiếng của Hà thành, món bánh cuốn luôn được nhiều thực khách thích thú khi được thưởng thức. Kĩ thuật tráng bánh rất quan trọng, bánh không được quá dày gây cảm giác ngán cũng không được quá mỏng cho cảm giác thiếu thiếu mà phải vừa phải, mềm và có mùi thơm nhẹ. Chả và nước mắm là hai thứ không thể thiếu của món ăn hấp dẫn này.
Địa chỉ: bánh cuốn Thanh Vân hàng Gà.

Phở
Phở được xem là món quốc hồn quốc túy của Việt Nam, gần như ở đâu người ta cũng bày bán món ăn này, nhưng ăn phở ở Hà Nội thì bao giờ cũng sướng hơn cả. Mỗi quán phở sẽ có sở trường riêng về phở gà, phở bò, phở nước hay phở khô. Nhìn chung những quán phở lâu năm ở Hà Nội đều có những thực khách trung thành của riêng mình. Họ ăn quen ở đó bởi không tìm ra hàng phở nào cho ra hương vị giống như vậy nữa.
Địa chỉ: phở 49 Bát Đàn, phở Lò Đúc, phở Thìn..

Bánh đúc nóng
Bánh đúc nóng là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều yếu tố khác nhau từ vị ngọt của thịt xay, vị béo của bánh đúc, đậu hủ rán giòn tan và cuối cùng là hương thơm của rau mùi. Bi nhiu đó thôi cũng đủ làm du khách phải thổn thức rồi.
Địa chỉ: bánh đúc nóng phố Lê Ngọc Hân.

Chả cá Lã Vọng
Món ăn nổi tiếng bậc nhất của thủ đô, từng xuất hiện trên nhiều tạp chí du lịch của nước ngoài. Chả cá ở đây thường được làm từ cá lăng và cá quả, thịt rất chắc và dai, khi chiên giòn thì hơi quăn ở các góc. Miếng chả cắn ngập răng với vị bùi, béo đặc trưng, thêm vào đó là rau kèm theo chén nước chấm đậm đà. Đương nhiên món chả cá Lã Vọng ăn lúc nào cũng ngon nhưng nếu ăn trong mùa đông thì còn gì bằng.
Địa chỉ: 14 phố chả cá Lã Vọng.

Một số quán ăn nổi tiếng ở Hà Nội
• Bún ốc cô Thêm hàng Chai.
• Nhà hàng chả cá Hà Thành 20 Nguyễn Văn Huyên.
• Bún chả Đắc Kim.
• Bún đậu mắm tôm 55 ngõ Phất Lộc.
• Nhà hàng chim quay Thịnh Vượng.
• Bún mọc 57 Hàng Lược.
• Xôi chả mực 6A Hàng Lược.
• Bò nầm nướng 33 Gầm Cầu.
• Bánh đa cua trộn 59A Phùng Hưng.
• Phở tái nạm 80 Hàng Mã.
• Bánh bèo số 1 Hàng Mã.
• Bún bò Huế 16B Hàng Gà.
• Bánh mì 25 Hàng Cá.
• Mì gà tần Lương Văn Can.
• Bún riêu 25A Bát Đàn.
• Bún đậu mắm tôm 1B Ngõ Trạm.
• Bún cá ngõ Hồng Phúc.
• Bún riêu 23 Nguyễn Siêu.
• Bò nướng 47 Mã Mây.
• Bún ốc số 7 Hàng Chỉnh.
• Bún thang bà Đức 48 Cầu Gỗ.
• Xôi Yến 35 Nguyễn Hữu Huân.

Những trải nghiệm ấn tượng khi đi du lịch Hà Nội
• Viếng lăng Bác ở Quảng trường Ba Đình lịch sử.
• Thưởng thức những món ăn ngon của Hà Nội như: phở, bún ốc, bún thang…
• Tìm hiểu về nghề làm gốm và tự làm sản phẩm gốm ở Bát Tràng.
• Tận hưởng khung cảnh đồng quê yên bình ở làng cổ Đường Lâm.
• Trải nghiệm chèo thuyền trên suối Yến và du lịch Tâm Linh ở chùa Hương.
• Tham quan những làng nghề truyền thống ở khu vực ngoại thành Hà Nội.
• Ghé phố Tạ Hiện uống bia, gặp gỡ du khách năm châu bốn bể.
• Check in tại những cây cầu cổ và đẹp nhất Hà Nội như: Chương Dương, Nhật Tân, Thăng Long…