Xin visa Schengen là sự lựa chọn của đa số du khách khi có ý định đi du lịch Châu Âu. Vậy thì visa Schengen là gì? Các bước thủ tục xin visa Schengen ra sao? Có những lưu ý quan trọng nào cần biết hay không? Bài viết sau đây xin chia sẻ các thông tin cần thiết để bạn cùng tìm hiểu và tham khảo.
Thông tin về visa Schengen
Trước khi xin visa Schengen thì bạn nên tìm hiểu các thông tin về loại visa này để biết được là bản thân cần chuẩn bị gì, xin visa Schengen loại nào hợp lý, nộp hồ sơ tại đâu,…
Visa Schengen là gì?
Visa Schengen (thị thực Schengen) là loại visa ngắn hạn, cho phép công dân nước ngoài đến bất kỳ quốc gia thành viên nào nằm trong khối Schengen. Khi sở hữu thành công visa Schengen, bạn có thể nhập cảnh và lưu trú trong thời gian tối đa lên đến 90 ngày để đi du lịch, thăm người thân, đi công tác, khám bệnh,….
Chỉ cần xin thành công visa Schengen của 01 trong 26 nước của khối Schengen thì 25 nước còn lại cũng sẽ mở rộng cửa chào đón bạn ghé thăm. Bên cạnh đó, các vương quốc nhỏ và vùng lãnh thổ như Vatican và San Marino (thuộc nước Ý), Monaco, Andorra,… cũng cho phép người có visa Schengen được nhập và xuất cảnh. Đó cũng là lý do visa Schengen được xem như là tấm visa quyền lực mà nhiều người mong muốn được sở hữu.
Những quốc gia cấp visa Schengen
Để biết chính xác là khi có visa Schengen rồi thì sẽ được nhập cảnh vào nước nào thì bạn cần biết những quốc gia nào cấp visa Schengen. Schengen chính là một hiệp ước cho phép sự tự do đi lại giữa 26 nước Châu Âu. Khi sở hữu visa Schengen nghĩa là bạn được phép nhập cảnh vào bất kỳ quốc gia nào trong 26 nước này.
Khối Schengen bao gồm các quốc gia sau: Áo, Bỉ, Đức, Pháp, Phần Lan, Ý, Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovakia, Slovenia, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ (Trong số đó có 22 nước thuộc trong khối liên minh Châu Âu).
Tuy nhiên, có một lưu ý nên nhớ là visa Schengen này không phải là visa chung của toàn khối liên minh Châu Âu (EU) hay là của chung các quốc gia Châu Âu. Nếu bạn muốn đến một quốc gia nào khác ở Châu Âu mà không nằm trong danh sách 26 nước thuộc Schengen thì phải xin visa riêng của quốc gia đó.
Đối tượng cần xin visa Schengen
Tất cả công dân thuộc các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận tự do hóa thị thực (visa) với các quốc gia thành viên trong khối Schengen thì cần phải xin visa Schengen. Và công dân Việt Nam cũng là đối tượng cần xin visa Schengen.
Visa Schengen có những loại nào?
Visa Schengen có 3 loại, đó là A, C và D. Nếu bạn đi Châu Âu với mục đích chỉ là du lịch thì chỉ cần xin loại A hoặc loại C thôi là được. Lưu ý thêm là visa loại A, loại C và loại D không cho phép bạn lưu trú khoảng thời gian quá lâu tại các quốc gia khối Schengen. Vì vậy, nếu cần lưu trú trong thời gian dài để làm việc, du học hay định cư thì bạn nên xin một loại visa khác – đó là thị thực quốc gia do từng quốc gia trong khối Schengen cấp.
- Visa Schengen loại A
Visa Schengen loại A là dạng thị thực (visa) quá cảnh, cho phép du khách lưu trú lại 01 trong 26 nước thuộc khối Schengen trong thời gian ngắn trước khi tiếp tục đi đến một đất nước thứ 3 khác. Điều quan trọng cần nhớ nữa là không được rời khỏi khu vực quá cảnh ở sân bay. Tuy nhiên visa Schengen loại A này lại không áp dụng cho công dân Việt Nam. Vậy nên nếu bạn muốn quá cảnh tại một quốc gia khối Schengen thì bạn phải cần xin visa Schengen loại C.
- Visa Schengen loại C
Visa Schengen loại C là thị thực (visa) ngắn hạn có thời gian lưu trú tối đa là 90 ngày trong vòng 6 tháng sau khi đã được cấp visa. Ngay khi bạn nhập cảnh vào một nước thuộc khối Schengen thì thời hạn hiệu lực của visa bắt đầu được tính. Là công dân Việt Nam, bạn có thể dùng visa loại C này để đi du lịch, thăm người thân hoặc là quá cảnh tại sân bay.
- Visa Schengen loại D
Visa Schengen Loại D là thị thực (visa) dài hạn có hiệu lực 180 ngày trong vòng 6 tháng. Visa loại này nhằm hỗ trợ cho các mục đích học tập, nghiên cứu, công tác hoặc những trường hợp được cấp giấy phép cư trú. Tuy nhiên, khi đã có visa loại D thì bạn sẽ có cơ hội xin gia hạn thêm thời gian lưu trú nếu thực sự cần. Đây là điều mà visa loại C không thể làm được. Vì visa Schengen loại C không cho phép gia hạn thời gian lưu trú.
Lưu ý khi nhập cảnh trong tình hình COVID-19
Trong tình hình về đại dịch COVID-19, những quốc gia khối Schengen cũng đưa ra một số quy định hạn chế. Vì thế, bạn nên kiểm tra và cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như quy định nhập cảnh của các quốc gia khối Schengen mà mình muốn ghé thăm.
Nộp hồ sơ xin visa Schengen tại đại sứ quán nước nào?
Khối Schengen có tất cả 26 quốc gia và mỗi quốc gia đều có cơ quan lãnh sự của riêng họ. Vì vậy, nhiều người không biết nên nộp hồ sơ xin visa Schengen cho đại sứ quán nước nào. Về vấn đề này, bạn có thể xác định địa điểm nộp hồ sơ xin visa Schengen bằng ba cách như sau::
- Nếu bạn xin visa Schengen chỉ để ghé thăm một quốc gia duy nhất. Ví dụ như bạn muốn đi Pháp thì bạn sẽ trực tiếp nộp hồ sơ xin visa Schengen tại cơ quan lãnh sự của nước này – tức cơ quan lãnh sự của Pháp.
- Nếu chuyến đi của bạn đến nhiều quốc gia trong khối Schengen thì cần xác định điểm đến nào quan trọng nhất. Quốc gia đó sẽ là nơi bạn lưu trú nhiều nhất hoặc là địa điểm bắt buộc phải đi trong chuyến hành trình. Ví dụ như khi xin visa công tác để tham dự hội thảo được tổ chức tại Hy Lạp thì bạn nên nộp hồ sơ xin visa Schengen tại Đại sứ quán Hy Lạp.
- Trường hợp đến nhiều quốc gia trong khối Schengen và cũng không xác định được điểm đến quan trọng nhất thì nên nộp hồ sơ tại đại sứ quán của đất nước đầu tiên mà bạn đến. Tức là quốc gia mà bạn sẽ làm thủ tục nhập cảnh để vào khối Schengen.
Thủ tục, điều kiện xin visa Schengen cho công dân Việt Nam
Công dân Việt Nam khi xin visa Schengen cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu. Đây cũng là một trong những loại visa được xét duyệt kỹ lưỡng nhất, có yêu cầu cao đối với đương đơn xin visa. Do vậy, bạn cần đặc biệt lưu ý đến những giấy tờ quan trọng trong hồ sơ xin visa Schengen bao gồm:
- Hộ chiếu
Cần chuẩn bị hộ chiếu gốc của mình và 1 bản photo tất cả các trang. Hộ chiếu phải có thời hạn hơn 6 tháng, còn ít nhất 2 trang trống để dành cho visa và đóng dấu xuất nhập cảnh. Trường hợp bạn mới thay hộ chiếu mới thì nên gửi kèm cả cuốn hộ chiếu cũ. Vì lịch sử du lịch cũng là một trong những yếu tố quan trọng để cơ quan lãnh sự ở các quốc gia trong khối Schengen xem xét khi cấp visa cho bạn. Người có lịch sử du lịch phong phú thì có thể dễ xin được visa Schengen hơn.
- Hộ khẩu, căn cước công dân
Hộ khẩu, căn cước công dân của bạn đều phải photo công chứng để nộp, nếu đi với con cái thì cần giấy khai sinh (photo công chứng).
- Ảnh thẻ
Cần nộp 02 tấm ảnh thẻ phông trắng, kích thước 4x6cm. Hình thẻ cần rõ mặt, tóc gọn gàng, để lộ vành tai, không đeo kính. Hình chụp không được quá 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Đơn khai xin visa du lịch Schengen
Nếu chỉ đi du lịch tại 1 quốc gia thì điền tờ khai của chính quốc gia đó. Nếu bạn đi trên 2 quốc gia, thì hãy làm tờ khai xin visa của quốc gia mà bạn lưu trú lâu nhất. Trong trường hợp lưu trú tại các nước thời gian bằng nhau, thì hãy điền tờ khai xin visa Schengen ở quốc gia đầu tiên mà bạn ghé đến trong lịch trình.
Thông tin điền trên tờ khai xin visa du lịch Schengen cần phải chính xác, trung thực. Lưu ý là chữ ký cuối tờ khai này phải trùng với mẫu chữ ký đã ký trên hộ chiếu. Nếu chữ ký trên tờ khai xin visa và chữ ký trên hộ chiếu không giống nhau thì hồ sơ xin visa Schengen của bạn có thể bị đánh rớt.
- Giấy xác nhận bảo hiểm du lịch
Tất cả công dân nước ngoài khi muốn xin visa để đến các nước trong khối Schengen đều phải mua bảo hiểm du lịch. Bảo hiểm du lịch mà bạn mua cần có hiệu lực trong toàn bộ thời gian lưu trú và có giá trị trên toàn khu vực Schengen. Mức đền bù của bảo hiểm du lịch tối thiểu phải là 30.000 EUR.
- Giấy xác nhận việc làm
Nếu là nhân viên:
- Hợp đồng lao động còn hiệu lực
- Quyết định thăng chức hoặc tăng lương (nếu có)
- Bảng lương 3 tháng gần nhất
- Giấy xin phép nghỉ phép có xác nhận của công ty.
Nếu là chủ doanh nghiệp:
- Giấy đăng ký kinh doanh
- Sao kê tài khoản ngân hàng của công ty trong vòng 6 tháng gần nhất
- Hóa đơn xác nhận đóng thuế 3 tháng hoặc 1 năm gần nhất
Nếu là người đã nghỉ hưu:
- 1 bản photo công chứng quyết định về hưu
- 1 bản photo công chứng thẻ hưu trí
- 1 bản photo công chứng sổ lương hưu
Nếu là học sinh/ sinh viên:
- Bản photo công chứng thẻ học sinh/ sinh viên
- Thư xác nhận sinh viên của trường (bản gốc, có đóng dấu mộc của cơ sở đào tạo)
- Thư đồng ý cho phép học sinh/sinh viên nghỉ học trong thời gian du lịch (bản gốc, có mộc của cơ sở đào tạo)
Nếu là người lao động tự do hoặc người không có việc làm:
- Đơn giải trình nguồn thu nhập hàng tháng/ hàng năm của bản thân
- Giấy tờ chứng minh tài chính
Người xin visa Schengen có thể chứng minh tài chính của mình bằng nhiều cách:
- Bảng lương (nếu nhận lương bằng tiền mặt) hoặc sao kê tài khoản ngân hàng nhận lương trong 6 tháng gần nhất (nếu nhận lương qua tài khoản ngân hàng)
- Giấy xác nhận số dư ngân hàng tầm 200 triệu trở lên (bản gốc, có mộc ngân hàng) kèm theo bản photo các sổ/ Bản sao công chứng sổ tiết kiệm (nếu có).
- Giấy đăng ký sở hữu ô-tô, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa/đất đai, hợp đồng cho thuê nhà,…
- Các giấy tờ liên quan khác
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến chuyến đi châu Âu của mình như:
- Xác nhận đặt vé máy bay khứ hồi
- Xác nhận đặt phòng khách sạn tại các nước trong khối Schengen
- Lịch trình chuyến đi cụ thể.
- Nếu được người thân, người quen mời đến các quốc gia trong khối Schengen để du lịch hay thăm thân thì cần cung cấp thư mời. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xin visa Schengen của bạn.
Một số lưu ý khi xin visa Schengen
- Hồ sơ nộp xin visa Schengen của bạn phải minh bạch. Trường hợp các bạn thiếu giấy tờ, làm hồ sơ giả (ví dụ như khai gian nghề nghiệp, làm hợp đồng lao động giả hoặc giấy phép giả,…), khi nhân viên LSQ xác minh thực tế thấy gian dối thì họ sẽ loại hồ sơ của bạn.
- Tài chính của bạn phải “mạnh”, đảm bảo đủ chi trả cho chuyến đi và bạn phải chứng minh là mình “đủ giàu” để không ở lại nước người ta. Vậy nên phần tài chính, bạn có bao nhiêu tiền hay tài sản thì cứ nộp để chứng minh.
- Không có mua bảo hiểm du lịch cũng là một trong những lí do khiến hồ sơ của bạn bị từ chối. Đi du lịch châu Âu là bắt buộc phải có bảo hiểm du lịch cho cả chuyến đi, vừa là để xin visa cũng như vừa có lợi cho bản thân.