Vào cuối thể kỷ 17, ở Nam Bộ lúc bấy giờ có hai trung tâm giao thương lớn là Mỹ Tho đại phố và Nông Nại đại phố (Cù Lao Phố, Biên Hòa). So với Cù Lao phố, Mỹ Tho đại phố có phần nổi bật hơn với những thế mạnh riêng của mình với các mặt hàng nông thủy sản dồi dào, khu vực dân cư sầm uất.
Mỹ Tho đại phố với lịch sử Mỹ Tho
Theo sử liệu ghi lại thì từ đầu thế kỷ 17, những nhóm lưu dân người Việt từ vùng Thuận – Quảng (chú thích: Lúc này thuộc về giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh trong lịch sử Việt Nam; Vùng Thuận – Quảng được hiểu là vùng Đàng Trong của chúa Nguyễn để phân biệt với Đàng Ngoài của chúa Trịnh) bắt đầu vào Nam, họ định cư và lập nghiệp tại vùng đất mới.
Năm 1623, một nhóm người Việt từ miền Bắc và miền Trung đã đến vùng tả ngạn sông Bảo Định để lập làng, lập xã sống bằng nghề nông nghiệp và buôn bán.
Năm Kỷ Mùi (1679), hai tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đã cùng hơn 3000 quân binh, hơn 50 chiến thuyền đến nước ta xin tị nạn. Chúa Nguyễn đã đồng ý để cho cả hai vào Nam khai khẩn. Binh thuyền của Trần Thượng Xuyên đã di chuyển vào cửa Cần Giờ đến đóng ở Bàn Lân (Biên Hòa), binh thuyền của Dương Ngạn Địch tiến đi vào cửa Soài Rạp đến vùng Vũng Gù – Mỹ Tho. Họ đã vỡ đất hoang, dựng phố xá biến cả hai vùng đất mình đặt chân đến thành những đại phố sầm uất là Nông Nại đại phố (Cù Lao phố, Biên Hòa) và Mỹ Tho đại phố.
Trong khi tại cùng Cù Lao Phố, Trần Thượng Xuyên chỉ chú trọng vào giao thương buôn bán thì ở Mỹ Tho, bên cạnh các hoạt đông giao thương Dương Ngạn Địch còn cho lập ra những trang trại, phát triển nông nghiệp cùng với người Việt và người Khmer.
Năm 1772, chúa Nguyễn Phúc Thuận đã cho quan trấn Gia Định lấy đất Mỹ Tho đại phố lập thành đạo Trường Đồn.
Năm 1781, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho dời ly sở của dinh Trấn Định từ Kiến Định (huyện Châu Thành) về Mỹ Chánh (Mỹ Tho đại phố chiếm trọn một phần thôn Mỹ Chánh), Mỹ Tho trở thành trung tâm chính trị của dinh Trấn Định- một trong năm dinh của Nam Bộ lúc đó.
Đến năm 1808 cải chỉnh Trấn Định làm trấn Định Tường thuộc thành Gia Định.
Lịch sử Mỹ Tho có thể tóm gọn qua vài nét như vậy tuy nhiên để trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Mỹ Tho là nơi xảy ra rất nhiều trận chiến. Cụ thể:
Năm 1688, phó tướng của Dương Ngạn Địch nổi loạn, giết chủ tướng. Chúa Nguyễn phải cho quân đi đánh dẹp.
Năm 1785, xảy ra trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Đông Sơn. Sau đó là trận Tây Sơn đánh tan năm vạn quân Xiêm ở khu vực Rạch Gầm – Xoái Mút.
Mỹ Tho đại phố
Như đã nói ở trên, khi đặt chân đến vùng đất Mỹ Tho, tướng nhà Minh Dương Ngạn Địch đã cho vỡ đất, lập làng, lập xóm, phát triển giao thương biến Mỹ Tho trở thành một đại phố của vùng đất chín rồng.
Cuối thể kỷ 17, ở Nam Bộ có hai trung tâm giao thương lớn là Mỹ Tho đại phố và Nông Nại đại phố (Cù Lao Phố, Biên Hòa). Lúc bấy giờ Bến Nghé – Sài Gòn chỉ là một khu chợ nhỏ còn Trấn Giang – Cần Thơ thì hầu như chưa được biết tới.
Mỹ Tho đại phố là nơi đầu mối giao thương buôn bán giữa người Việt, người Hoa, người Khmer, người Ấn và các quốc gia khác. “Ngựa các xe như nước, áo quần như nêm”, khung cảnh phố thị phồn vinh, tấp nập “trên bến, dưới thuyền”.
Tuy là đại phố những Mỹ Tho hồi đó chỉ có hơn trăm căn phố với mặt ngó xuống vàm Mỹ Tho. Các hoạt động giao thương diễn ra trên bến, dưới thuyền nhưng chợ vẫn là nơi đông đúc, tấp nập nhất. Ngôi chợ thời đó giờ được gọi là chợ Cũ có hướng ngó ra Vàm Cầu Kè. Năm 1826, khi nhà Nguyễn cho xây thành Định Tường đã xây thêm một ngôi chợ mới tên Tân Thành (địa điểm chợ Mỹ Tho ngày nay).
Khi Sài Gòn – Gia Định được phát triển thì vị thế của Mỹ Tho đại phố dần bị giảm đi.
Đến khi người Pháp đặt chân đến, khi tuyến đường sắt nối Hòn Ngọc Viễn Đông với đại phố một thời thì đèn Sài Gòn đã ngọn xanh, ngọn đỏ, còn đèn Mỹ Tho chỉ ngọn tỏ, ngọn lu.
Đến nay những dấu tích về Mỹ Tho đại phố còn lại không nhiều, chỉ còn lại những con kênh đào đầu tiên của Nam kỳ, giếng nước Mỹ Tho, khu chợ Cũ,…