Gợi ý lịch trình du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An 5 ngày

hội an - việt nam

Điểm sáng trong bản đồ du lịch miền Trung không đâu khác chính là Huế – Đà Nẵng – Hội An, vùng đất tập trung ba Di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Hơn nữa, cả ba địa điểm này lại có khoảng cách khá gần, rất hợp lý để lên kế hoạch khám phá cả ba điểm đến này trong một chuyến đi 5 ngày 4 đêm. Với những bạn đang ấp ủ dự định đi du lịch tới đây thì một lịch trình là cần thiết để chuyến đi trọn vẹn hơn. 

Đi Đà Nẵng – Huế – Hội An vào thời gian nào lý tưởng?

Huế, mặc dù bị ngăn cách với Đà Nẵng – Hội An bởi dãy núi Bạch Mã nhưng thời tiết ở cả hai khu vực này không có sự khác biệt là mấy. Cả ba thành phố này đều thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc trưng là nắng nóng, mưa nhiều, với hai mùa chủ đạo và mùa mưa và mùa khô. Mỗi mùa đều có một đặc điểm riêng, vẻ đẹp riêng nhưng không phải mùa nào cũng lý tưởng để đi du lịch. 

Mùa mưa: 

Ở mỗi Đà Nẵng, Huế, Hội An cũng có một mùa mưa xêm xêm nhau nhưng không giống nhau, kéo dài khoảng 3-4 tháng. Ví dụ như ở Đà Nẵng, mùa mưa sẽ bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 12. Ở Huế là từ tháng 10 cho đến tháng 3 và ở Hội An là tháng 8 đến tháng 1. 

Mặc dù hầu hết các tháng mưa liên tục xuất hiện, thậm chí có những đợt bão lũ nhưng mùa mưa ở đây vẫn ghi điểm bởi sự lãng mạn, đặc biệt là mùa mưa ở Huế. Mùa mưa ở những thành phố này nó giống như đặc sản vậy. Ở Hội An, nếu đi đúng vào dịp mưa lũ, các bạn trẻ cũng tỏ ra thích thú khi được ngắm phố cổ Hội An chìm trong nước lũ, một khung cảnh không phải khi nào cũng có thể nhìn thấy. Hay ở Huế, vừa được thưởng thức các món ăn nóng hổi, vừa ngồi ngắm mưa rơi lất phất bên ngoài cũng thú vị không kém. 

Mùa khô:

So với mùa mưa thì mùa khô lại “hút” khách hơn cả, bởi đơn thuần thời tiết cực đẹp, trời xanh, nắng vàng, gió nhẹ dường như rất lý tưởng để đi tham quan, vui chơi hay tắm biển. Nếu ở Đà Nẵng, mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 7 thì ở Huế lại từ tháng 4 cho đến tháng 9 và Hội An từ cuối tháng 1 cho đến tháng 7. 

Thời tiết thuận lợi cũng tạo điều kiện cho các khu du lịch mở cửa thường xuyên, các sự kiện  – lễ hội được tổ chức nhiều hơn và quan trọng bạn sẽ cảm nhận được không khí ở khắp nơi luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tất nhiên, mùa hè ở đây vẫn có những đợt nóng đỉnh điểm, song điều đó lại không ảnh hưởng quá nhiều đến chuyến đi. Đôi khi, trời càng nóng càng làm cho các hoạt động như tắm biển, lặn ngắm san hô càng trở nên thú vị hơn. 

Để mà nói đi du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An thời điểm nào đẹp nhất thì có lẽ là mùa khô, từ tháng 2 đến tháng 8. Nếu bạn có dự định tham gia các hoạt động ngoài trời như đi dạo, tắm biển thì lý tưởng nhất vẫn là tháng 5, 6, 7. Đây là mùa nghỉ hè của học sinh nên lượng khách bay đến Đà Nẵng cực kỳ đông, các khu du lịch, bãi tắm vì thế mà cũng đông đúc, nhộn nhịp hơn.  

Gợi ý phương tiện đi du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An

Phương tiện để đi đến Đà Nẵng

Với lịch trình du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An, bạn có thể chọn 1 trong 2 phương án là bay đến Huế hoặc là Đà Nẵng trước, Hội An không có sân bay. Nếu như bay đến Huế trước, lịch trình sẽ là Huế – Đà Nẵng – Hội An. Còn nếu bay đến Đà Nẵng trước, bạn nên theo lịch trình là Đà Nẵng – Hội An – Huế. Nói chung, bạn nên chọn Huế hoặc Đà Nẵng là điểm đi và điểm đến. Nếu đã đáp ở Huế thì bạn mua chiều về ở sân bay Quốc tế Đà Nẵng, ngược lại nếu đáp ở Đà Nẵng thì mua vé về ở sân bay Phú Bài (Huế). 

Đây chỉ là một gợi ý để bạn xem xét lên lịch trình sao cho hợp lý, cũng không nhất thiết bạn phải bay theo lịch trình như trên. Vì Đà Nẵng cách Huế không quá xa, chỉ tầm chưa đầy 100km. Bạn có thể chọn Đà Nẵng làm điểm đến chính, sau đó sẽ chọn Huế và Hội An như là một điểm đến, cuối cùng quay về Đà Nẵng mua vé về Sài Gòn hoặc Hà Nội. 

Giá vé cho chặng Sài Gòn – Đà Nẵng hoặc Hà Nội – Đà Nẵng thường dao động từ 600.000-2.600.000đ/ khứ hồi, chưa bao gồm thuế phí. Nếu biết cách săn vé 0đ, 99.000đ thì giá vé khá là rẻ, chỉ tầm 1.200.000đ/ khứ hồi. Quan trọng là nên đặt càng sớm giá sẽ càng rẻ, nếu đặt sát ngày đi thường sẽ không có khuyến mãi mà giá vé cũng cao hơn. 

Phương tiện di chuyển giữa Huế – Đà Nẵng – Hội An

Cả ba thành phố Huế, Đà Nẵng, Hội An đều là những thành phố nổi tiếng về du lịch, vì thế mà hệ thống các phương tiện đi lại cũng đa dạng và thuận tiện. Nếu di chuyển qua lại giữa hai địa điểm bất kỳ, ví dụ như Đà Nẵng – Huế hoặc là Đà Nẵng – Hội An, bạn cần phải nắm rõ về khoảng cách cũng như đường xá để chọn loại hình di chuyển cho phù hợp. 

Từ Đà Nẵng đi Huế: Cả hai địa điểm này cách nhau khoảng 96km, giao thông thuận tiện nên có không ít sự lựa chọn như xe khách, xe máy hoặc là tàu hỏa. Nếu bạn muốn đi nhanh, chủ động và an toàn thì nên nghĩ đến phương án đi xe khách hoặc xe limousine đi ngang qua hầm. Còn với những bạn có ý định đi phượt, check in đỉnh Hải Vân Quan thì nên thuê xe máy để đi đường đèo Hải Vân. Còn tàu hỏa, phương án này dành cho những bạn trẻ thích trải nghiệm, ngắm núi Bạch Mã và vịnh Lăng Cô từ xa. 

Từ Đà Nẵng đi Hội An: Vì chỉ cách nhau chưa đầy 40km nên việc đi bằng xe gì cũng hợp lý và thuận tiện cả. Nếu đi theo nhóm ít người, bạn có thể chọn cách thuê xe máy với giá 120.000đ-150.000đ/ ngày, rất thuận tiện nếu bạn đi thêm cả những địa điểm xa phố cổ.  Nhóm đông người, có kèm trẻ nhỏ và người lớn nên book xe đưa đón, xe 4 chỗ tầm 250.000đ/ chiều và xe 7 chỗ tầm 350.000đ/ chiều. Tiết kiệm hơn là xe bus, giá chỉ 25.000đ/ lượt nhưng đi lâu và cũng khá bất tiện. 

Phương tiện đi trong thành phố

Xe máy, taxi và xe đưa đón là ba phương tiện phổ biến nhất có tại Đà Nẵng, Hội An và Huế. Những bạn trẻ thường có sở thích đi dạo, check in cũng như ăn uống nên thuận lợi nhất vẫn là di chuyển bằng xe máy. Còn với những gia đình, có kèm theo người lớn, trẻ em thì nên thuê hẳn xe ô tô, giữa xe đưa đón và taxi thì bạn nên chọn xe đưa đón vì vừa rẻ, xe rộng rãi mà tài xế cũng nhiệt tình hơn. 

Du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An nên lưu trú ở đâu rẻ, tiện nghi?

Lưu trú tại Đà Nẵng

Đa phần các ngày trong lịch trình du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An đều sẽ ở Đà Nẵng là chủ yếu. Đơn giản vì trong tâm tưởng của nhiều người, Đà Nẵng không chỉ là thành phố đáng sống mà còn là nơi tập trung nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, xứng tầm quốc tế. Hầu như các điểm đến, khu du lịch ở Đà Nẵng đều bắt buộc du khách phải đi bộ là chủ yếu nên việc tìm cho mình một khách sạn tiện nghi, yên tĩnh để nghỉ ngơi là rất cần thiết. 

Việc book phòng ở Đà Nẵng cực kỳ dễ dàng, bạn có đến hàng ngàn sự lựa chọn vì thực tế hệ thống resort, khách sạn, nhà nghỉ ở đây cực kỳ đa dạng. Tuy nhiên, để có một sự lựa chọn ưng ý lại không hề dễ, nếu đặt vội vã mà chưa có sự tìm hiểu, rất có thể sẽ làm chuyến đi của bạn “tụt mood”. Bạn có thể tham khảo trước một vài các khách sạn dưới đây:

Hanami Hotel Danang: Đây là khách sạn 3 sao, thuộc hệ thống khách sạn bình dân ở Đà Nẵng rất phù hợp cho những đôi bạn trẻ, gia đình có trẻ nhỏ. Hanami Hotel có cả quán cà phê, hồ bơi, sân thượng với một số phòng có ban công, view ngắm toàn thành phố khá là đẹp. Giá phòng ở đây khá rẻ, chỉ từ 350.000đ/ phòng 2 người.

Địa chỉ: 61-63 Hoàng Kế Viêm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Haian Riverfront Danang Hotel: Khách sạn 4 sao này nằm ngay khu vực trung tâm, phía trước là sông Hàn, cách Bảo tàng và cầu Rồng chỉ tầm 300m rất thuận lợi để đi lại. Khách sạn có đầy đủ các tiện nghi khác gồm bể bơi, buffet các món Việt cùng các dịch vụ khác như spa, bar tầng thượng có tầm nhìn thẳng ra sông Hàn rất tuyệt vời. Giá phòng ở đây dao động từ 750.000đ-1.300.000đ/ phòng 2 người. 

Địa chỉ: 182 Bạch Đằng, Hải Châu, Đà Nẵng. 

Khách sạn Novotel Đà Nẵng: Là khách sạn 5 sao nằm ngay mặt tiền đường Bạch Đẳng, với view nhìn thẳng ra sông Hàn hứa hẹn đem đến cho khách lưu trú những trải nghiệm hài lòng nhất. Tất cả các phòng của Novotel được thiết kế ấm cúng, hiện đại với không gian hướng sông rất thoáng mát. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm thấy các dịch vụ đi kèm cực kỳ hấp dẫn như bể bar ngoài trời, nhà hàng cao cấp và bar sành điệu. 

Địa chỉ: 36 Bạch Đằng, Hải Châu, Đà Nẵng. 

Ngoài khu vực trung tâm với 3 khách sạn nổi bật như vừa kể trên, để có thêm nhiều sự lựa chọn với giá phòng rẻ hơn, bạn có thể di chuyển ra phía ngoài khu vực biển Mỹ Khê, biển Non Nước. Tại đây tập trung không ít các khách sạn tầm 2 -3 sao giá rẻ, cách bãi biển chỉ tầm 5-10 phút di chuyển. Còn các dòng khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng tập trung nhiều nhất ở tuyến đường Võ Nguyên Giáp, trong khi đó các resort cao cấp thường nằm trên tuyến đường Trường Sa, Ngũ Hành Sơn. 

Lưu trú tại Huế

Mặc dù ở Huế các resort, khách sạn cũng như nhà nghỉ không nhiều và đa dạng như ở Đà Nẵng hay Hội An nhưng nếu tìm hiểu trước bạn vẫn có chỗ lưu trú đáng “đồng tiền bát gạo”. Nếu yêu thích Huế, muốn ở lại đây một đêm bạn có thể tham khảo một vài khách sạn như sau:

Khách sạn Rosaleen: Rosaleen thuộc dòng khách sạn 3 sao, một phần khúc được khá nhiều du khách lựa chọn vì phòng ốc đẹp, tiện nghi mà giá cả phải chăng. Các phòng ngủ ở đây được thiết kế theo phong cách hiện đại, tinh tế với quầy bar đầy ấm cúng, bên ngoài có nhà hàng và bể bơi sang trọng. Rosaleen Hotel cũng có vị trí khá lý tưởng khi cách sông Hương chỉ 4 phút đi bộ, cách Kinh thành Huế tầm 2km.

Địa chỉ: 36 Chu Văn An, TP. Huế

ÊMM Hotel Hue: Thêm một cái tên trong danh sách các khách sạn đáng lưu trú ở Huế. Khách sạn 3 sao này có quá trời các dịch vụ như cho thuê xe đạp, bể bơi ngoài trời cũng với quầy bar và nhà hàng được đầu tư sáng sủa. Giá phòng ở ÊMM Hotel chỉ từ 900.000đ/ phòng 2 người.

Địa chỉ: 15 Lý Thường Kiệt, TP. Huế

Khách sạn Mường Thanh: Nằm trong chuỗi khách sạn tư nhân Mường Thanh, Mường Thanh Huế cũng sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm thật tuyệt vời khi có dịp lưu trú tại đây. Nhiều du khách đến Huế cũng chọn Mường Thanh làm điểm dừng chân yêu thích bởi thiết kế cổ điển, phòng ốc sạch sẽ và nhân viên cực kỳ nhiệt tình. Mặc dù giá phòng ở đây khá cao, từ 1.000.000đ-1.400.000đ/ phòng nhưng cũng rất đáng để lưu trú.

Địa chỉ: 38 Lê Lợi, TP. Huế

Lưu trú tại Hội An

Trong khi các du khách đến Hội An với mục đích nghỉ dưỡng có sở thích lựa chọn các resort ven sông, ven biển thì đa phần các bạn trẻ muốn ở lại chỉ một đêm thường hướng đến các hình thức lưu trú bình dân như villa, homestay. Nếu như các villa đem đến cho bạn một không gian thoải mái, riêng tư với các tiện nghi và dịch vụ có sẵn thì homestay lại là điểm lưu trú yêu thích của các bạn trẻ muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương. 

Hoi An Reverie Villa: Một điểm lưu trú bên sông với nguyên một khoảng sân rộng, cây xanh tươi mát dường như rất thích hợp cho những nhóm bạn bè, gia đình. Villa được thiết kế cả bể bơi, phòng ốc được dẹp dọn sạch sẽ, nhân viên thì thân thiện. Villa cũng sẽ sẵn sàng cho bạn được tổ chức ăn uống, vui chơi hay hát karaoke thoải mái nhưng lưu ý hãy dừng trước 10h30 để không phiền đến những người xung quanh nhé. 

Địa chỉ: 257 Hai Mươi Tám Tháng Ba, TP. Hội An

Golden Holiday Hotel & Spa: Chuyến nghỉ dưỡng của bạn tại Hội An sẽ được phục vụ một cách thoải bởi bởi khách sạn không chỉ trang bị phòng ốc tuyệt đẹp, các thiết bị hiện đại mà còn đi kèm dịch vụ spa chuyên nghiệp. Vị trí của khách sạn cũng rất thuận lợi để di chuyển đến biển An Bàng và phố cổ Hội An. Giá phòng ở Golden Holiday dao động từ 700.000đ- 1.200.000đ/ phòng 2 người lớn. 

Địa chỉ: 467 Hai Bà Trưng, TP. Hội An 

Lịch trình du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An 5 ngày

Để có một khởi đầu thuận lợi nhất, bạn hãy đặt vé vào khung giờ tối hôm trước, để đến Đà Nẵng vẫn có một đêm để ngủ nghỉ trước khi bắt đầu hành trình của mình. Còn nếu không còn vé tối, bạn có thể bay chuyến sớm để tranh thủ check in, nghỉ ngơi một chút. 

Ngày thứ nhất: Bán đảo Sơn Trà + Ngũ Hành Sơn + Phố cổ Hội An

Buổi sáng: Bán đảo Sơn Trà + Chùa Linh Ứng + Đỉnh Bàn Cờ + Cây đa ngàn năm

Hãy bắt đầu ngày mới ở Đà Nẵng thật nhẹ nhàng bằng một chuyến tham quan bán đảo Sơn Trà, một địa danh cực kỳ nổi tiếng, cách trung tâm chỉ tầm 8km. Hãy nhờ lễ tân khách sạn thuê giúp bạn một chiếc xe máy hoặc là book xe đưa đón để tiện cho việc di chuyển lên đó. Nếu là xe máy, bạn có thể thuê luôn cả ngày để buổi chiều tận dụng đi Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An, tính ra chỉ với 120.000đ-150.000 có thể đi cả ba địa điểm siêu tiết kiệm. 

Buổi trưa: Ăn trưa đặc sản tại Đà Nẵng

Quay trở về khách sạn, nếu mới đến Đà Nẵng lần đầu, chưa biết ăn ở đâu ngon, rẻ hãy nhờ lễ tân gợi ý cho bạn những quán ăn đặc sản địa phương đáng trải nghiệm nhất. Lời khuyên là bạn hãy đến những quán đã được review, đừng ăn ở ven đường vì chất lượng sẽ không như bạn mong đợi. Bạn có thể đi theo những clip review của các Youtuber hoặc các Tiktoker để có trải nghiệm tốt hơn. 

Buổi chiều: Ngũ Hành Sơn + Phố cổ Hội An

Sau khi ăn trưa, hãy quay trở về khách sạn nghỉ ngơi một lát, vì hành trình buổi chiều khá là dài. Tầm 3h là thời điểm lý tưởng để bạn xuất phát đến với Ngũ Hành Sơn, một danh thắng nổi tiếng ở xứ biển đến giờ vẫn còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Động Huyền Không, động Âm Phủ, chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng,… là những nơi bạn nên ghé qua. 

Tầm 4h, bạn xuất phát đi thẳng về phía thành phố Hội An cách đó tầm 20km. Khi hoàng xuống cũng là lúc phố cổ Hội An khoác lên mình một lớp ảo ảo diệu, rực rỡ và đầy lãng mạn. Dạo bước trên những con đường nhỏ bằng đá, hai bên là những ngôi nhà màu vàng vẫn còn phủ kín những rêu phong. Khung cảnh càng trở nên thơ mộng hơn nhờ sự xuất hiện của những ánh đèn lồng, những con ngõ đầy hoa giấy và cả những con thuyền rực rỡ sắc màu. 

Hội An nổi tiếng nhất với Chùa Cầu, hội quán Phúc Kiến, hội quán Triều Châu, nhà cổ Tấn Ký, chợ đêm Nguyễn Hoàng, bờ sông Hoài đều là những điểm thu hút du khách nhiều nhất. Nếu buổi tối đói bụng chưa biết ăn gì, bạn nên thử với món cao lầu Thanh, cơm gà bà Nga cũng như một số các món ăn vặt như bánh đập hến xào, chè thập cẩm, thịt nướng, tào phớ,vv…

Ngày thứ hai: Bà Nà Hills + ăn đặc sản Đà Nẵng

Buổi sáng: Cáp treo + Làng Pháp + Vườn Hoa + Hầm Rượu + Lâu đài Mặt Trăng

Bạn tranh thủ dậy sớm, uống cà phê, ăn sáng cho tỉnh táo rồi di chuyển đến khu du lịch Bà Nà Hills theo sự chỉ dẫn của Google Maps. Ngoài hình thức đi tự túc, bạn có thể chọn phương án đi tour nếu như không có nhiều thời gian để lên lịch trình cũng như không quen đường xá ở đây. Giá tour Bà Nà Hills khoảng 1.090.000đ/ người lớn và 850.000đ/ trẻ em, đã bao gồm xe đưa đón, HDV, ăn buffet, vé cáp treo. 

Nếu đi tour mà lại không thích đi theo đoàn, bạn hoàn toàn có thể tách đoàn để đi riêng, nhưng nhớ lưu lại số của hướng dẫn viên để biết lịch trình cụ thể nha. Trên Bà Nà Hills, ngoài những cái tên đã quá quen thuộc như Cầu Vàng, vườn hoa, làng Pháp thì mới xuất hiện thêm cả những địa điểm mới như Lâu Đài Mặt Trăng, Cổng Mặt Trời được đầu tư hoành tráng và ấn tượng. 

Buổi trưa: Ăn trưa buffet trên Bà Nà

Dù đi tự túc hay đi tour vẫn khuyên bạn nên chọn ăn trưa ở các nhà hàng buffet. Từ năm 2018, Bà Nà Hills đã cấm du khách mang đồ ăn lên khu du lịch, do đó bạn đừng mang làm gì cho mất công, sẽ có nhân viên kiểm tra từng người một khi đi qua cửa an ninh. Giá vé buffet ở các nhà hàng tùy thuộc vào từng suất khác nhau, đối với buffet Nhà hàng Việt là 305.000đ và buffet Hàn Quốc/ buffet Á Đông là 355.000đ. 

Buổi chiều: Vui chơi ở Khu vui chơi Fantasy Park

Sau khi nạp đủ năng lượng cho buổi trưa, hãy đến và thỏa sức vui chơi không giới hạn với hơn 105 trờ chơi miễn phí đầy hấp dẫn tại Fantasy Park. Hãy thử bắt đầu với trò trượt máng mạo hiểm ở ngoài trời và sau đó di chuyển vào bên trong để thử thách bản thân với trò Thả rơi tự do, đường đua lửa, phi công Skyver và rất nhiều hạng mục khác đang chờ đón bạn.

Buổi tối: Ăn đặc sản + Tham quan Cầu Rồng + Cầu Trần Thị Lý

Nếu tối ngày thứ nhất bạn đã thử với các món đặc sản phố Hội thì ngày thứ hai hứa hẹn sẽ đem đến một trải nghiệm ẩm thực hoàn toàn khác. Đà Nẵng là thành phố biển, vì thế mà nguồn hải sản cũng dồi dào, bạn nên gọi thử món chíp chíp hấp sả, cua rang me, cháo hàu, cá đuối nướng, gỏi cá lạc, tôm xóc tỏi, tôm tít hấp, lẩu cá mú,… rất ngon. Còn muốn ăn đặc sản Đà Nẵng thì có thịt heo cuốn bánh tráng, cá nục hấp, bún mắm nêm, mì Quảng. 

Chợ đêm Helio
Chợ đêm Helio

Ngày thứ ba: Đà Nẵng +  Cố đô Huế

Lịch trình du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An ngày thứ ba sẽ là Huế, một cố đô mộng mơ, hiền diệu và nên thơ. Huế cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 100km nên để thuận tiện, an toàn và không tốn sức, bạn nên di chuyển bằng xe limousine hoặc là xe đưa đón. Tiện hơn nữa là book tour Huế 1 ngày đã bao gồm xe du lịch, ăn trưa, vé tham quan, hướng dẫn viên. Việc đi xe máy đến Huế sẽ tốn khá nhiều thời gian, hơn nữa đường đèo khá nguy hiểm, nếu đi theo đoàn thì đi xe đưa đón vẫn tiện hơn.  

Buổi sáng: Lăng Khải Định + Đại Nội 

Đến Huế, địa điểm đầu tiên mà bạn nên ghé qua đó là hệ thống các lăng tẩm Huế, công trình nổi tiếng nhất nhì ở cố đô. Nói về lăng tẩm ở Huế, đẹp, hoành tráng và đậm chất nghệ thuật nhất vẫn phải nói đến lăng Khải Định, hay còn gọi là Ứng Lăng, là nơi chôn cất vua Khải Định, vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng không chỉ có kiến trúc đồ sộ, nét cổ kính pha lẫn hiện đại mà còn có nhiều góc để sống ảo rất đẹp. 

Rời lăng Khải Định, hành trình khám phá Huế sẽ còn hấp dẫn khi địa điểm tiếp theo chính là Đại Nội, chính là nơi sinh sống, làm việc của 13 vị vua triều đại nhà Nguyễn với hơn 143 năm trị vì. Đây cũng là công trình lớn và tiêu biểu nhất còn sót lại, là nơi mà chúng ta có thể hiểu hơn lịch sử qua các triều đại cũng như các câu chuyện bí ẩn nơi thâm cung. 

Buổi trưa: Ăn trưa tại nhà hàng Huế

Nếu đi tour Huế bạn sẽ đi ăn theo đoàn tại nhà hàng chuyên các món ăn đậm chất cố đô và tất nhiên là miễn phí. Còn việc đi tự túc đem đến nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng nếu có dịp đến Huế nhất định bạn nên tìm đến các quán chuyên đặc sản Huế để thưởng thức. Nói đến các món ăn Huế, nổi tiếng nhất chính là cơm Huế, bún Huế, bánh bèo – nậm – lọc và đặc biệt là bún bò Huế. 

Buổi chiều: Tham quan chùa Thiên Mụ + cầu Tràng Tiền + chợ Đông Ba

Sau khi ăn trưa xong, bạn nên lập kế hoạch để đi hết các địa điểm được yêu thích tại Huế như:

Chùa Thiên Mụ: Đây là ngôi chùa cổ có thể nói là linh thiêng bậc nhất xứ Huế và cũng được ví như “linh hồn” của cố đô. Mặc dù đã được xây dựng cách đây hơn 400 năm nhưng chùa vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn các kiến trúc cổ xưa. Tham quan chùa ấn tượng nhất vẫn là khu vực tháp Phước Duyên với view sống ảo được nhiều bạn trẻ yêu thích. 

Cầu Tràng Tiền: Vi vu Huế dù lịch trình bận cỡ nào cũng không thể bỏ qua cầu Tràng Tiền, được xem là biểu tượng của xứ Huế. Cây cầu thép này không chỉ là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sự hùng hồn mà còn tô điểm thêm cho Huế thêm phần mộng mơ, duyên dáng. 

Chợ Đông Ba: Với những bạn trẻ thích đam mê ẩm thực vùng miền thì chắc chắn nên ghé qua chợ Đông Ba. Ở đây không chỉ là nơi buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, rau củ quả, thịt thà mà còn là thu hút du khách bởi rất nhiều các món ăn đậm chất xứ Huế cũng như các món quà lưu niệm ý nghĩa. 

Buổi tối: Khám phá Đà Nẵng về đêm

Sau khi trở về từ Huế, hẳn mọi người đã thấm mệt và chỉ muốn nằm dài ở khách sạn để nghỉ ngơi. Bạn có thể gọi đồ ăn về khách sạn để nhâm nhi, cùng mọi người tổ chức các trò chơi hoặc là đi bộ ra biển. Còn với những tín đồ cuồng chân thì sẽ nghĩ ngay đến việc thuê xe máy và chạy vòng vòng Đà Nẵng, check in các cây cầu và thỏa thích ăn các món ăn vặt như bánh kẹp, kem bơ, chè thái Liên, ốc hút, cút lộn xào me, ram cuốn cải. 

hội an - việt nam
hội an – việt nam

Ngày thứ tư: Cù Lao Chàm 

Buổi sáng: Khởi hành đi Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm là điểm đến thứ tư trong lịch trình du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An 5 ngày và bạn sẽ có một ngày vui chơi hết mình trên hòn đảo xinh đẹp này. Nằm cách Đà Nẵng chỉ khoảng 45km nên để tiết kiệm chi phí, các bạn hãy thuê xe máy để di chuyển hoặc nếu muốn bao trọn gói từ xe cộ, ăn uống, vé đi cano thì hãy chọn cách đi tour. 

Hầu như các du khách lên đảo đều chọn cách đi bộ, một phần là do các địa điểm tham quan khá gần nhau, tập trung ở Bãi Làng và Bãi Ông, một phần là đường sá ở đây khá quanh co, phương tiện đi lại chính vẫn chỉ có xe đạp và xe máy. Bạn nên tranh thủ đi hết các điểm tham quan như khu bảo tồn, nhà trưng bày cổ vật, chùa Hải Tạng, chợ Tân Hiệp vào buổi sáng. 

Buổi trưa: Ăn đặc sản Cù Lao Chàm

Đến Cù Lao Chàm mà không ăn đặc sản đảo thì quả thực phí cả chuyến đi. Mặc dù lượng sản hải trên đảo không nhiều, đa dạng như ở Đà Nẵng nhưng lại có khá nhiều các món lạ, hương vị rất độc đáo. Cua đá, ốc vú nàng, rau rừng, bào ngư, tôm hùm,… là những món ăn rất được các du khách yêu thích khi ra đảo. 

Buổi chiều: Tắm biển + Lặn ngắm san hô

Sau khi ăn trưa xong, các bạn có thể nghỉ ngơi tại nhà hàng hoặc thuê xe máy chạy vòng vòng quanh đảo để khám phá mọi thứ. Trên đảo cũng có rất nhiều thứ thú vị, chẳng hạn như check in con đường hoa ngô đồng, sống ảo ở cây cầu gỗ bắt ra biển hay đặt chân đến sân bay trực thăng. 

Sau đó, bạn di chuyển về Cầu Cảng, nơi tập trung cano để hỏi đi lặn ngắm san hô. Hoặc bạn cũng có thể hỏi người địa phương, họ sẽ chỉ chỗ cho, đừng lo vì người dân ở đây cực kỳ chất phát, hiền hòa nên sẽ không có tình trạng cò mồi để ăn hoa hồng gì đâu. Địa điểm để lặn ngắm san hô thường là Hòn Nhờn hoặc là Bãi Xếp, cách Bãi Làng khoảng 5-10 phút chạy cano. Giá tour 150.000đ/ người đã bao gồm tất cả từ phao, kính lặn, cano và người chỉ dẫn cho bạn. 

Nếu muốn mua đặc sản mang về làm quà, các bạn nhớ hỏi người dân để họ chỉ chỗ cho mua mực một nắng hoặc là bánh ít lá gai, đây là hai thứ rất được du khách ưa chuộng. 

Buổi tối: Vui chơi ở Helio

Cái tên Helio hẳn đã quá quen thuộc đối với giới trẻ Đà Thành bởi đây chính là tổ hợp ăn chơi hấp dẫn bậc nhất Đà Nẵng về đêm. Vì Helio nằm ngay ở gần trung tâm nên bạn có thể book taxi, từ khách sạn qua đó cũng rẻ, không quá đắt đâu. Ở đây thu nhất nhất vẫn là khu vực giải trí với rất nhiều các trò chơi từ dễ đến khó, từ trong nhà đến ngoài trời, nơi sẽ đưa bạn quay ngược thời gian để trở về với tuổi thơ. 

Sau đó, hãy di chuyển ngay sang khu vực ẩm thực để thưởng thức các món ăn đường phố hấp dẫn như mì udon hải sản, cơm trộn, bánh ngọt, thịt nướng. Nếu bạn là người khó tính trong ăn uống hoặc bụng dạ không tốt lắm thì không nên ăn ở đây, đồ ăn ở đây được review là không ngon, chủ yếu là đồ dầu mỡ. 

Ngày thứ năm: Khám phá ẩm thực Chợ Cồn

Nếu bạn có hẳn 5 ngày ở Đà Nẵng thì nhất định phải dành 1 ngày để đến càn quét hết tất cả các món ngon ở chợ Cồn nhé. Không phải tự nhiên mà các thổ địa lại ví chợ Cồn như là một thiên đường ẩm thực, bởi ở đây có bán rất nhiều các món ăn đặc sản của Đà Nẵng. Tuy chợ bán cả ngày nhưng từ 15h-18h là khoảng thời gian mà chợ tấp nập và nhộn nhịp nhất. 

Cuốn hút nhất trong chợ Cồn phải kể đến là hàng ẩm thực, mặc dù bày bán đồ ăn nhưng không gian lại được “quy hoạch” rất gọn gàng và dễ nhìn, không hề có cảm giác lộn xộn như ở các chợ địa phương khác. Ở chợ Cồn thường chia thành hai dãy, một dãy chuyên bán các món mặn như mì Quảng, bún thịt nướng, bún mắm, ốc hút, bánh xèo, bánh xăn, ram cuốn cải, thịt heo cuốn bánh tráng. Còn dãy kia sẽ bán các đồ ăn ngọt như kinh tố, chè. 

Nếu trong chuyến du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An 5 ngày mà bạn vẫn chưa có cơ hội để mua quà thì ở chợ Cồn có bán tất cả những thứ bạn cần. Nào là tôm khô, mực khô, bò khô, cá thiều tẩm gia vị, mực rim, chả bò, vâng vâng và mây mây. Theo đánh giá thì đồ ở đây tuy đa dạng nhưng các cô lại hô giá lại khá cao, quan trọng là bạn phải biết cách ngả giá sao để “thuận mua vừa bán”. 

Gợi ý những món ăn ngon kèm địa chỉ ở Huế – Đà Nẵng – Hội An

Không chỉ là điểm đến để lại nhiều ấn tượng cho du khách mà cả ba địa điểm Huế, Đà Nẵng, Hội An đều có một nền ẩm thực đầy sức hút. Qua nhiều chuyến đi nghiệm ra rằng, các đặc sản ở đây chẳng có món nào là cao lương mỹ vị mà sự hấp dẫn lại đến từ chính các món ăn lề đường dân dã, mộc mạc. Mặc dù, khẩu vị mỗi người là khác nhau, thật khó để tìm ra một địa chỉ ăn uống làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng những cái tên dưới đây phần nào cũng sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm ăn uống thú vị, với những món ăn với hương vị đậm chất địa phương. 

Ở Huế

Bún bò Bà Tuyết: 47 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế

Cơm hến Hoa Đông: Số 64 Kiệt 7, Ưng Bình, TP. Huế. 

Bánh canh Nam Phổ Thúy: Số 16 Phạm Hồng Thái, Vĩnh Ninh, TP. Huế.

Bánh Bèo – Nậm – Lọc Bà Đỏ: 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Huế

Bún thịt nướng – Bánh ướt Huyền Anh: 50 Kim Long, TP. Huế

Chè Hẻm: Số 1 Kiệt 29 Hùng Vương, Phú Hội, TP. Huế

Ở Đà Nẵng:

Mì Quảng Thi: 251 Hoàng Diệu, Hải Châu, Đà Nẵng

Bánh tráng thịt heo Đại Lộc: 97 Trưng Nữ Vương, Hải Châu, TP. Đà Nẵng. 

Bún chả cá Bà Lữ: 319 Hùng Vương, Thanh Khê, Đà Nẵng

Bún mắm nêm Vân: K23/14 Trần Kế Xương, Hải Châu, Đà Nẵng. 

Nem lụi, bánh xèo Bé Uyên: 224 Tố Hữ, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. 

Gỏi cá Nam Ô Thanh Hương: 1029 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu, Đà Nẵng. 

Hải sản Năm Đảnh: K139/59/38/10 Trần Quang Khảu, Sơn Trà, Đà Nẵng.

Ở Hội An:

Cao lầu Thanh: 26 Thái Phiên, Minh An, TP. Hội An

Mỳ Quảng Ông Hai: 6A Trương Minh Lượng, Cẩm Châu, TP. Hội An

Bánh bao, bánh vạc Hoa Hồng Trắng: 533 Hai Bà Trưng, Cẩm Phổ, TP. Hội An

Bánh mì Madam Khánh: 115 Trần Cao Vân, Minh An, TP. Hội An

Bánh xèo Giếng Bá Lễ: 51 Trần Hưng Đạo, P. Minh An, TP. Hội An.

Ốc hút Hạnh: 07 Nguyễn Du, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. 

Có rất nhiều phương án cho một chuyến du lịch Huế – Đà Nẵng – Hội An 5 ngày nhưng việc lên lịch trình như thế nào, ngủ nghỉ ở đâu, đi những đâu hay ăn những món gì là ở bạn. Hy vọng, với những gì mà Tikago chia sẻ ở trên bạn sẽ có thể tự lên cho mình một lịch trình hợp lý và thú vị nhất.