Kinh nghiệm du lịch bản Tả Phìn (Sapa)

Kinh nghiệm du lịch bản Tả Phìn (Sapa)

Bản Tả Phìn là nơi tập trung sinh sống của phần lớn người Dao Đỏ tại Sapa. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc nhưng không kém phần thơ mộng. Nếu muốn được gần gũi với thiên nhiên, tránh xa khói bụi ồn ào thì đừng bỏ qua những điểm du lịch đặc sắc tại bản Tả Phìn khi đến thành phố sương mờ Sapa nhé!

Giới thiệu về bản Tả Phìn?

Bản Tả Phìn là một địa phận thuộc xã Sapa, có vị trí cách xa trung tâm thị trấn. Tổng quãng đường di chuyển tới bản rơi vào khoảng 17km, nằm chếch về phía Đông Bắc. Ngoài đồng bào dân tộc Dao Đỏ, đây còn là nơi sinh sống của khá nhiều hộ gia đình người H’mong. Vậy nên, có thể coi bản Tả Phìn là nơi sở hữu nền văn hóa dân tộc rất đặc sắc và đáng để trải nghiệm.

Đi từ trung tâm Sapa, bạn đi theo hướng quốc lộ 4D khoảng 5km. Sau đó bạn sẽ thấy cổng vào bản Tả Phìn. Tại đây, sẽ có người bán vé vào bản tham quan cho bạn với giá 20.000 đồng/ người, tuy nhiên không phải lúc nào ở đây cũng bán vé. Thường thì nếu không thấy người bán, bạn vẫn có thể đi vào bản tham quan như thường. Từ cổng vào bạn cần đi tiếp thêm 7km để đến điểm tham quan. Lưu ý là bạn nên lập sẵn kế hoạch đi du lịch Tả Phìn để tránh bị lạc đường và không bỏ lỡ bất kỳ điểm đến nào nhé.

Dọc đường xuống bản Tả Phìn có rất nhiều quang cảnh thiên nhiên như ruộng bậc thang, đồi núi và thác nước và những dòng suối nhỏ yên bình, tươi đẹp. Nhìn từ trên xuống, bạn còn được ngắm nhìn những mái nhà cổ san sát nhau, những nương ngô xanh biếc trổ hoa hay vườn đào, vườn mận nở hoa trắng xóa vô cùng xinh đẹp.

Đường đi tới bản Tả Phìn có khó không?

Vì là một bản làng còn hoang sơ, chưa được đẩy mạnh du lịch nên đường đi xuống bản Tả Phìn khá khó khăn. Không phải du khách nào tới Sapa cũng biết điểm đến này, phải được người dân bản địa chỉ lối hoặc có người hướng dẫn thì mới biết được cách đi. 

Để tới bản Tả Phìn, bạn sẽ phải đi trên con đường gập ghềnh, nhiều sỏi đá, vượt qua những cung đường đồi, đèo dốc quanh co. Có những đoạn đường nhiều ổ gà, ổ voi siêu to, nếu bạn đi xe máy mà không bám chắc thì có khi còn bay ra khỏi xe được đấy. Vậy nên, nếu muốn tự đi xuống bản thì bạn phải đảm bảo tay lái của mình tốt còn nếu không thì vẫn nên thuê lái xe, xe ôm hoặc taxi nhé.

Phương tiện để di chuyển tới bản Tả Phìn

Hiện nay, tuy việc đi lại còn khó khăn nhưng đường xuống bản Tả Phìn đã được mở rộng, ô tô cũng có thể đi vào tới trung tâm của bản. Nhưng tùy vào mục đích mà mỗi người sẽ có cách đi khác nhau, bạn có thể tham khảo một vài phương tiện dưới đây để chuẩn bị trước khi có ý định du lịch Tả Phìn.

Xe máy

Đi xe máy có lẽ là cách đi tiện lợi, dễ di chuyển và dễ ngắm cảnh nhất dành cho những người đam mê xê dịch. Nếu bạn là một phượt thủ thì chắc hẳn các cung đường xuống bản sẽ không làm khó được bạn. Còn nếu bạn là du khách tới du lịch và muốn đổi phương tiện di chuyển thì có thể chọn thuê xe máy hoặc đặt xe ôm. Nếu thuê xe thì mức phí sẽ rẻ hơn, bạn chỉ mất tiền xăng xe còn đặt xe ôm thì chi phí sẽ cao hơn chút. Tuy nhiên việc đi lại sẽ đảm bảo hơn vì các lái xe ôm tại Sapa đều rất lành nghề, thân thiện và thông thuộc mọi cung đường. Giá xe ôm đi từ trung tâm Sapa xuống bản sẽ rơi vào khoảng từ 100.000 – 180.000 đồng.

Nếu bạn chọn thuê xe thì đây là một vài địa điểm bạn nên tham khảo:

Cho thuê xe máy Đức Cương

  • Địa chỉ: Số 45 – Đường Lê Văn Tám – Sapa
  • SĐT: 038.315.3598 

Thuê xe máy Bẩy Mai

  • Địa chỉ  Trung tâm thị trấn SaPa ( nằm cạnh quảng trường lớn, bạn có thể gọi theo số dưới đây để thuê xe nhé)
  • SĐT: 0987.543.123

Trung tâm thông tin Du lịch Lào Cai

  • Địa chỉ: số 02 Fansipan – Sa Pa
  • Điện thoại: 0203.871.975

Ô tô

Di chuyển bằng ô tô là hình thức thích hợp cho những ai đi du lịch theo nhóm đông người. Nhất là khi du lịch vào mùa đông,  đi ô tô sẽ tiện và ấm áp hơn. Tuy nhiên bạn chỉ nên tự lái khi đã nắm rõ đường đi và nên tránh đi vào buổi chiều tối nhé. Để đảm bảo an toàn, du khách có thể thuê lái xe hoặc thuê taxi. Giá xe đi từ trung tâm tới bản sẽ dao động từ 400.000 – 600.000 đồng. Một số hãng taxi uy tín tại Sapa mà bạn nên thử là:

Taxi Fansipan

Đây là hãng xe được người dân Sapa và nhiều du khách tin tưởng. Hãng taxi này có cung cấp các loại xe từ 4 chỗ – 7 chỗ. Hơn nữa, đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng, lái xe đều tận tình và chuyên nghiệp nên bạn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ.

  • Địa chỉ: Số 10 – Lương Đình Của – Sa Pa
  • SĐT:  0203.62.62 62

Taxi Hiếu Hồng

Đây là hãng taxi rất quen thuộc với người dân Lào Cai. Hãng taxi này có đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, quen thuộc mọi cung đường. Nếu muốn đặt xe, bạn có thể liên hệ theo số tổng đài dưới đây nhé.

  • Địa chỉ: Duyên Hải – Tp. Lào Cai
  • SĐT: 0214.3.820.820

Taxi Bản Hồ

Bản Hồ là hãng xe quen mặt của người dân Sapa. Hầu hết các lái xe của hãng này đều là người bản địa. Do đó, họ thông thuộc mọi cung đường và biết những đường tắt để đưa bạn tới nơi nhanh hơn.

  • Địa chỉ: Bản Dền – Sa Pa
  • SĐT: 0389.111.119

Những trải nghiệm khiến du khách yêu thích khi đến Tả Phìn

Đến với Tả Phìn, ngoài khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp dọc đường đi 2 bên, du khách còn có thể khám phá thêm nhiều điểm đến khác cũng không kém phần hấp dẫn. Cụ thể là:

Khám phá hang động Tả Phìn

Hang động Tả Phìn là danh lam thắng cảnh được công nhận là Di tích quốc gia. Nơi đây có nhiều di tích mang giá trị khảo cổ, thu hút được sự quan tâm của du khách ở cả trong lẫn ngoài nước. Nếu đam mê xê dịch và khám phá, bạn có thể đến đây để trải nghiệm hành trình đi xuyên lòng đất. Trong hang sẽ chia làm nhiều nhánh nhỏ chúc xuống và chỉ có 1 người chui lọt. Có nhiều đoạn đường cực kỳ cheo leo, khó đi. Nếu bạn có đủ can đảm thì đừng bỏ lỡ điểm đến độc đáo này nhé.

Tham quan tu viện Tả Phìn

Tu viện Tả Phìn là một tu viện cổ, mang vẻ đẹp cổ kính và ma mị. Nơi đây được xây dựng vào khoảng năm 1942. Theo ghi chép, năm 1942, 12 nữ tu thuộc hội thánh Kito giáo bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản. Trong đó, 8 nữ tu và 1 thầy ở dòng tu khác xin được tiếp tục ở lại Châu Á để tu tập và truyền đạo. Khi đó, đại sứ quán Pháp tại Nhật đã hỗ trợ viết thư gửi Cha Tổng giám mục giáo phận Hưng Hóa – Lào Cai để xin cho họ về đây truyền đạo. 

Vào tháng 6/1942, đoàn nữ tu tới Việt Nam, trên người họ chỉ có một bộ quần áo và 200 yên Nhật Bản. Khi ấy, quan Pháp đã đồng ý cấp cho họ một nơi ở cùng với một số gia súc, gia cầm cùng các loại nông cụ. Nhờ vào kiến thức cũng như kinh nghiệm sống ở nơi ôn đới, đoàn nữ tu đã nuôi trồng thành công nhiều giống gia cầm, nông sản và cây ăn quả. Họ tham gia canh tác, nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật cho người dân tại địa phương. Vào thời đó, tu viện đã trở thành nơi cung cấp nguồn thực phẩm sạch chính cho quân nhân và khu vực Sapa.

Tuy nhiên đến năm 1945, do chiến tranh bất ổn nên đoàn nữ tu đã rời bỏ tu viện để đến Hà Nội. Từ đó cho đến nay, trải qua biết bao biến động, tu viện cổ đã trở thành một nơi lưu giữ ký ức, bị phong ấn bởi những bức tường phủ kín rêu xanh. Nếu đã ghé thăm Tả Phìn thì đừng quên đến tham quan tu viện này nhé.

Tu Viện Cổ Tả Phìn
Tu Viện Cổ Tả Phìn

Ghé thăm làng dệt thổ cẩm thủ công

Đối với người dân tại bản Tả Phìn, nghề dệt thổ cẩm không đơn giản là một công việc giúp họ có thêm thu nhập mà nó còn mang ý nghĩa truyền thống vô cùng thiêng liêng và đẹp đẽ. Theo quan niệm của họ, trang phục thổ cẩm chính là món quà tốt nhất dành cho người con gái khi về nhà chồng. Thổ cẩm càng tinh xảo, rực rỡ thì chứng tỏ lời chúc phúc được gửi gắm sẽ càng may mắn.

Hiện nay, vải thổ cẩm, trang phục, đồ dùng từ thổ cẩm đang là sản phẩm được lựa chọn để xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Do đó, nếu muốn mua thổ cẩm thủ công thì bạn nhất định phải ghé thăm bản Tả Phìn. Nếu may mắn, bạn còn được trải nghiệm dệt vải và được mua hàng với giá rẻ hơn bên ngoài rất nhiều.

Ghé thăm nhà cộng đồng của người Dao Đỏ

Nhà cộng đồng được đặt tại trung tâm của bản Tả Phìn. Lấy cảm hứng thiết kế từ chiếc khăn truyền thống của người Dao Đỏ. Nhìn từ xa đã thấy, ngay giữa khung cảnh thiên nhiên và đất trời hài hòa, nên thơ, nhà cộng đồng xuất hiện đỏ rực vô cùng nổi bật. Nếu bạn muốn trải nghiệm không gian sinh hoạt chung và văn hóa sinh hoạt của người Dao thì nên đến thử điểm du lịch này nhé.

Tìm hiểu về nghề khảm bạc

Ở làng Tả Chải, bản Tả Phìn có một bộ phận lớn người Dao đỏ sinh sống bằng nghề khảm bạc. Từ xưa đến nay, đây vốn là một nghề truyền thống và đến nay vẫn được người dân địa phương lưu giữ truyền thừa. Người ta vẫn thường nói, giá trị và độ giàu có của một gia đình, của một cô gái thể hiện ở đồ trang sức bạc mà họ đeo.

Trước đây, muốn làm trang sức bạc, ta cần chuẩn bị bạc trắng hoặc các đồng tiền làm bằng bạc. Sau đó, giao bạc cho thợ khảm và đặt làm theo mẫu trang sức mà mình muốn. Còn ngày nay, muốn mua trang sức bạc bạn chỉ cần đặt làm thủ công theo ý muốn hoặc chọn mẫu có sẵn. Công cụ làm bạc thì cũng không quá cầu kỳ, cần phải có lò nung, nồi nấu bạc, bễ thổi, khuôn đúc và một số công cụ chuyên dụng khác.

Tắm lá thuốc của người Dao Đỏ

Người Dao Đỏ có rất nhiều bài thuốc hay chữa bách bệnh, trong đó nổi tiếng và phổ biến nhất vẫn là bài thuốc lá dùng để tắm gội. Du khách mỗi khi đến Sapa có thể dễ dàng thấy được những biển quảng cáo tắm lá thuốc của người Dao Đỏ ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, chuẩn nhất thì vẫn là đến tận nơi sinh sống của họ để trải nghiệm dịch vụ này.

Những loại dược liệu, lá thảo mộc được người dân vào tận rừng để hái. Sau đó, đem về phân loại, rửa sạch và để ráo. Nếu ai có nhu cầu có thể đun nước lá tươi rồi tắm luôn hoặc không thì thảo dược sẽ được phơi khô và tích trữ dùng dần. Công dụng của nước tắm thì rất đa dạng, ngoài việc giúp thư giãn, xua tan mệt mỏi thì nó còn giúp ta thải độc, giảm đau nhức xương khớp và lưu thông khí huyết. 

Hái dâu tây tại vườn

Vườn dâu tây Sapa thuộc thôn Má Tra, xã Tả Phìn, Sapa. Đây là trang trại dâu được xây dựng theo mô hình trồng dâu tây của xã Thắng Lợi. Với diện tích hơn 1,5 ha, được trồng bằng công nghệ thủy canh theo công nghệ Vietgap, sử dụng các giống dâu đến từ Nhật Bản, Hàn, New Zealand,… Vậy nên dâu tây ở đây cực kỳ thơm ngon và mọng nước. Ngoài việc hái dâu thì chụp ảnh check-in tại đây cũng là thứ không thể bỏ lỡ khi đến Tả Phìn. Hiện giá vé vào vườn dâu đang có giá là 230.000 – 250.000 đồng/ kg.

Giờ mở cửa:

  • Buổi sáng: Từ 8 giờ đến 11 giờ 30 
  • Buổi chiều: Từ 13h30 đến 17 giờ

Tới bản Tả Phìn thì nên ăn gì?

Vì là nơi chưa phát triển mạnh về du lịch nên dịch vụ ăn uống tại đây cũng không nhiều. Các món ăn chủ yếu là những món đặc sản của người dân nơi đây như thịt lợn cắp nách luộc/ hấp/ quay, gà bản nướng, xào sả ớt, canh xương nấu măng chua. Tuy nhiên họ nêm gia vị khá đơn giản, với một số người thì sẽ không hợp khẩu vị. Nếu ai thích hương vị tự nhiên thì sẽ thích, còn không thì sẽ khá lạ miệng. Để chắc chắn thì bạn có thể cân nhắc mang theo một số món ăn nhanh, hoặc đồ ăn mua sẵn trên thị trấn để dự phòng nhé.

Tuy nhiên ở bản Tả Phìn có một món ăn mà bạn nhất định phải thử đó chính là gà mẹt. Gà ở bản là loại gà đồi thịt dai, thơm, chắc ngọt. Khi chế biến chỉ cần đem nướng, luộc cơ bản là đã cực kỳ ngon rồi. Gà mẹt ăn kèm xôi nếp dẻo nhiều màu, chấm thêm với muối mắc khén, hạt dổi thì đúng là thấm đẫm hương vị Tây Bắc. Để ăn món này, bạn có thể đặt trước tại các homestay hoặc nhà dân nhé.

Những homestay đáng thử tại bản Tả Phìn

Đến du lịch tại bản Tả Phìn thì bạn có thể ở tại các homestay sau để tiết kiệm chi phí và có những trải nghiệm tốt nhất:

Ta Phin Stone Garden Ecological

Được thiết kế theo mô hình nghỉ dưỡng, xung quanh được bao bọc bởi thiên nhiên và cây cối nên cực kỳ yên tĩnh. Đây là nơi đáng thử dành cho những ai đang muốn đổi gió, muốn tránh xa sự ồn ào. Ngoài ra, Ta Phin Stone Garden còn có nhiều góc ban công sống ảo cực chill. Nếu bạn lo sợ về muỗi hay côn trùng thì yên tâm vì ở đây có trang bị đầy đủ thiết bị chống muỗi và vệ sinh rất sạch sẽ.

  • Địa chỉ: Tổ 4, thôn Sả xéng –  Thôn Tả Phìn – Sapa
  • Giá phòng: 350.000 đồng/ đêm
  • SĐT: 0963.266.688

Sành Homestay

Sành homestay được thiết kế theo phong cách nhà sàn nên có không gian rộng mở, thoáng đãng. Nếu bạn đi du lịch theo đoàn thì sành cũng có phòng nghỉ chung dành cho các bạn với đầy đủ tiện nghi như lò sưởi, màn chống muỗi, máy sấy quần áo, dịch vụ nướng BBQ,…

  • Địa chỉ: Đội 4 – thôn Sả Xéng – xã Tả phìn – thị xã Sapa
  • Giá phòng: 350.000 – 700.000 đồng
  • SĐT: 0981.000.239

Nghỉ ngơi ngay tại nhà dân

Khi đến bản Tả Phìn, ngoài các homestay dịch vụ, bạn còn có thể thuê phòng ở nhà người dân nếu muốn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt chân thực nhất của họ. Phần lớn người dân tại đây đều rất hiền lành, thân thiện và tốt bụng. Tuy nhiên, khi ở trong nhà của người dân tộc H’mong hay Dao Đỏ, bạn cần tôn trọng và tuân thủ theo đúng phong tục tập quán của họ. Nếu không biết gì thì có thể hỏi, họ sẽ giải đáp cho bạn rất nhiệt tình. Đây cũng là một cách hay để giúp bạn học hỏi thêm nhiều văn hóa độc đáo của con người nơi đây nữa đấy.

Những điều không nên làm khi đi du lịch tại Tả Phìn

Không riêng bản Tả Phìn mà ở một số điểm du lịch khác cũng vậy, khi đến bạn nên “Nhập gia tùy tục” và tránh không làm những điều sau:

  • Không tự tiện vào nhà dân khi chưa được sự cho phép của chủ nhà. Ngày thường người dân trong bản thường lên nương hoặc ra ruộng làm việc nên không có mặt tại nhà. Do đó, một vài du khách rất dễ bị nhầm lẫn nhà dân thành những địa điểm chụp ảnh công cộng. Bởi vậy, bạn cần phải chú ý điều này nhé, nếu muốn chụp ảnh thì cũng phải tìm gặp và xin phép chủ nhà trước đã.
  • Khi tham quan những gia đình người H’mong, bạn sẽ thấy trong nhà họ có một cây cột trụ rất to và vững chắc nằm ngay giữa nhà. Cây cột này được gọi là cột cái, chân cột thường được chôn rất sâu dưới lòng đất. Theo kể lại, đây là cây cột trấn giữ ma quỷ, vậy nên bạn không nên dựa người, chụp ảnh, hay treo quần áo tại đây nhé.
  • Trong nhà, gian giữa thường là nơi bày biện, thờ cúng tổ tiên, ông bà. Vậy nên bạn không được tự mình bước vào, ngồi hoặc nằm trong đó.
  • Nếu đi tham quan nhà dân, bạn nên hạn chế mặc đồ trắng hoặc nên phối áo quần trắng với đồ khác màu. Vì trong quan niệm của người dân nơi đây, đồ trắng mang màu sắc của tang lễ nên không quá may mắn.
  • Nếu di chuyển xuống bản bằng xe máy, các bạn nên ưu tiên mặc trang phục gọn gàng, giày dép đế bằng để dễ đi lại. Đặc biệt là các bạn nữ phải chú ý tránh mặc váy áo rườm rà khi đi xe xuống bản nhé. Các bạn có thể mang thêm giày cao gót hoặc trang phục dự phòng để xuống bản rồi mặc sau thì sẽ tiện hơn đấy.
  • Nên mang theo đèn pin vì buổi tối ở bản đường rất khó nhìn. Thêm vào đó, nếu muốn đi hang động Tả Phìn thì đèn pin chính là vật dụng bắt buộc phải có đó.
  • Khi muốn sử dụng dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao Đỏ, bạn nên tránh tắm khi đói hoặc khi vừa ăn xong vì rất dễ say thuốc và không tốt cho dạ dày. Ngoài ra, khi ngâm cũng chỉ nên tối đa từ 15 – 30p, đây là thời gian tốt nhất để thuốc phát huy tác dụng.