Kinh nghiệm du lịch Thái Lan dịp lễ hội Loy Krathong

Lễ hội Loy Krathong

Nếu bạn trót yêu vẻ đẹp lung linh của hàng ngàn chiếc hoa đăng trôi dạt trên dòng sông, lễ hội Loy Krathong chắc chắn là đích đến dành cho bạn. Đây là một trong những lễ hội cổ truyền lớn nhất tại đất nước Thái Lan, được tổ chức vào tháng 11 hằng năm. 

Vào thời điểm diễn ra lễ hội, hình ảnh những chiếc đèn hoa đăng, những chàng trai, cô gái Thái trong bộ trang phục truyền thống cùng nhiều hoạt động ca múa, vui chơi đậm chất dân tộc được thể hiện gần như trọn vẹn. Bức tranh văn hóa Thái Lan trở nên sống động và gần gũi với đời sống hơn bao giờ hết. Đó cũng là lý do du khách nên một lần trải nghiệm đêm hội hoa đăng tại xứ sở chùa vàng một lần trong đời! 

Bài viết này sẽ cung cấp toàn bộ thông tin mới nhất về lễ hội Loy Krathong cũng như các hoạt động thú vị tại nơi đây. Hãy lưu lại ngay những kinh nghiệm hay ho cho chuyến du lịch Thái Lan mùa lễ hội Loy Krathong sắp tới của bạn nhé!

Thông tin lễ hội Loy Krathong

Giải thích tên gọi Loy Krathong

Lễ hội Loy Krathong là lễ hội lâu đời tại Thái Lan, có nguồn gốc sâu xa từ tín ngưỡng địa phương. Trong tiếng Thái Lan, “Loy” có nghĩa là thả, “Krathong” là hình ảnh chiếc bè hình hoa sen trôi trên mặt nước. 

Một Krathong chuẩn sẽ bao gồm các lễ vật như: thức ăn, trầu cau, hoa, nhang, nến và tiền xu Thái Lan. Hiện nay, du khách có thể tìm mua krathong dễ dàng dọc hai bên đường gần khu vực lễ hội. Chi phí để mua krathong trung bình từ 20-40 baht, tùy vào kích thước, kiểu dáng của Krathong. 

Trước khi thả đèn, người Thái thường sẽ nâng đèn lên cao bằng trán, suy nghĩ về những mong cầu của bản thân hoặc là đọc kinh. Theo quan niệm dân gian, điều ước sẽ thành sự thật nếu ngọn nến được thắp sáng và giữ được ngọn lửa đến khi biến mất khỏi tầm mắt. Ngược lại, nếu krathong chìm ngay khi vừa thả xuống, tức điều ước của bạn chưa được chấp nhận và hãy đến vào năm sau nhé.

Hằng năm, lượng người địa phương và du khách tham gia lễ hội rất đông, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và hủy hoại môi trường nước. Do đó, du khách cần thả đèn ở đúng khu vực quy định và hạn chế sử dụng các loại đèn krathong bằng nhựa, xốp, những vật liệu khó phân hủy. Hãy tận hưởng lễ hội thật vui nhưng vẫn quan tâm đến môi trường bạn nhé!

Ý nghĩa truyền thống của lễ hội Loy Krathong

Theo truyền thống, đây là dịp để người dân Thái Lan bày tỏ sự tôn kính của mình dành cho thần linh. Bên cạnh đó, hành động thả đèn nước như một lời tạm biệt những khó khăn, những điều xui xẻo đã xảy ra trong năm cũ. 

Ngoài ra, lễ hội Loy Krathong cũng là thời điểm thức tỉnh người dân Thái Lan, khuyên răn họ buông bỏ lỗi lầm, học cách tha thứ và gửi gắm những ước mơ tốt đẹp đến với nơi ngự trị của thần linh. Ngày nay, lễ hội được khoác thêm một tầng ý nghĩa, đó là mong cầu tình yêu vững bền. Do đó, lễ hội thu hút rất nhiều đôi lứa đến tham gia và cùng nhau thả đèn hoa đăng. 

Lễ hội Loy Krathong được tổ chức khắp các tỉnh thành của Thái Lan, thậm chí cả Myanmar, Lào,…Nhưng hoành tráng nhất là ở Sukhothai, Ayutthaya, Bangkok và  Chiang Mai (Thái Lan). Đặc biệt là lễ hội hoa đăng được tổ chức ở khu đền cổ Công viên lịch sử Sukhothai, nơi được vinh danh là di sản thế giới do UNESCO công nhận. 

Chuyện xưa tích cũ lễ hội Loy Krathong

Lễ hội Loy Krathong được xem là lễ hội lớn thứ hai và cổ xưa tại xứ sở chùa vàng. Gắn liền với lễ hội là vô số các thoại bản khác nhau và rất khó để xác định chính xác nguồn gốc. 

Nổi tiếng nhất phải kể đến sự tích nàng Nopphamat – một người phụ nữ xinh đẹp sống trong triều đại Sukhothai vào thế kể 14. Vì muốn được nhà vua Ramkamhaeng để ý, nàng đã dùng sự khéo léo của mình, tạo ra lễ vật dâng kính thần linh. Đây chính là chiếc hoa đăng krathong sơ khai, có hình hoa sen với nhiều mảnh ghép đầy màu sắc, bên trên là một ngọn nến và thả trôi đèn trên dòng sông. Nhà vua rất yêu thích và ra lệnh toàn dân Thái Lan cũng thả đèn nước như một cách bày tỏ lòng biết ơn và cầu nguyện một năm may mắn. 

Một ghi chép lại tin rằng, lễ hội Loy Krathong bắt nguồn từ Ấn Độ giáo, được những vị sư Thái Lan biến đổi thành nghi thức vinh danh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Dâng đèn cúng Phật (nến trên hoa đăng), tức dâng ánh sáng trí tuệ, xóa bỏ bóng đêm vô minh. Hành động thả trôi đèn tượng trưng cho việc buông bỏ buồn phiền, uất hận, những điều không may mắn để bắt đầu lại từ những điều tốt đẹp hơn. Xưa kia, người dân Thái Lan còn cắt một ít tóc và móng tay rồi đặt lên hoa đăng!

Nhiều người dân Thái Lan lại tin rằng, lễ hội Loy Krathong sinh ra để tôn vinh rắn thần Naga – một linh vật có hình dáng rắn hổ mang thường thấy trong kiến trúc Phật Giáo hay Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng lễ hội Loy Krathong là dành cho thần nước Phra Mae Kongka, vị thần của Thái Lan có nguồn gốc từ nữ thần Ganga của Ấn Độ giáo. Họ tổ chức lễ hội để tôn vinh thần linh và xin thần tha thứ cho hành động làm ô nhiễm nguồn nước từ sinh hoạt hằng ngày của minh. 

Lễ hội Loy Krathong diễn ra vào thời gian nào?

Lễ hội Loy Krathong được tổ chức hằng năm với quy mô vô cùng lớn. Đây là lễ hội truyền thống, thu hút hơn hàng ngàn dân bản địa và du khách đến tham quan và trải nghiệm văn hóa độc đáo của đất nước chùa vàng. 

Lễ hội tổ chức vào đêm rằm tháng 12 theo lịch Thái Lan, tức tháng 11 dương lịch. Do đó, lễ hội sẽ rơi vào những ngày khác nhau tùy năm theo dương lịch, thông thường du khách có thể tham gia vào một vài ngày trước và sau đêm trăng tròn. Bạn nên kiểm tra kỹ thời gian và tra cứu lịch trình lễ hội trên các trang du lịch uy tín để không phải bỏ lỡ nhé! 

Những địa điểm tổ chức lễ hội Hoa đăng Loy Krathong

Chắc chắn đây là vấn đề được nhiều du khách quan tâm. Tham gia lễ hội Loy Krathong ở đâu quy mô nhất, hoành tráng nhất, đẹp nhất? 

Sukhothai

Lễ hội Hoa đăng được tổ chức hầu như ở các tỉnh của Thái Lan. Tuy nhiên, để nói là đáng để tham gia nhất thì chắc chắn phải là Sukhothai, cái nôi sinh ra lễ hội Loy Krathong! Hằng năm, lễ hội sẽ được tổ chức ở công viên lịch sử Sukhothai, nơi có bề dày lịch sử và giá trị văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới. 

Bạn yên tâm rằng, lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian khá dài. Thông thường, ở các thành phố lớn sẽ tổ chức xuyên suốt bốn ngày. Khi tham gia lễ hội, bạn không chỉ được thả đèn hoa đăng tinh xảo, ngắm nhìn chiếc thuyền krathong trôi trên dòng sông mà còn được thả mình trong các hoạt động vui chơi mang màu sắc văn hóa Thái Lan như: cuộc thi sắc đẹp, các đoàn diễu hành, biểu diễn âm nhạc dân tộc, biểu diễn nghệ thuật kết hợp ánh sáng và âm thanh. Đặc biệt là tại Wat Mahathat, di tích cổ kính với hơn 800 năm tuổi. 

Bangkok

Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn những địa điểm khác để tham gia lễ hội. Trong đó, Bangkok là một sự lựa chọn đáng cân nhắc. Là một thành phố hiện đại và năng động, Bangkok khai mạc lễ hội Loy Krathong với màn bắn pháo hoa cực “chất” và đầy sắc màu. Trong đó, có màn pháo hoa quy mô lớn và biểu diễn ca nhạc tại trung tâm Asiatique. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra lễ hội, bạn sẽ cảm nhận được không khí tươi vui, náo nhiệt trong từng ngóc ngách của thủ đô Bangkok. 

Nếu bạn muốn thả đèn, Wat Arun và Wat Yannawa là một trong những nơi cho phép du khách tự do thả krathong của mình. Hãy chuẩn bị đầy dủ lễ vật, cầu nguyện và để dòng sông Chao Phraya đưa lời ước của bạn đến với các vị thần! Hoặc nếu bạn chỉ đơn giản muốn ngắm nhìn hoặc chụp hình với những chiếc đèn, cầu tưởng niệm Saphan Phut là nơi có chiếc “view” bạc triệu khi ngắm được toàn cảnh không gian lung linh tạo bởi hàng trăm ánh nến.

Một gợi ý khác dành cho bạn, hãy thử đi xa hơn trung tâm Bangkok và đến với thị trấn Amphawa nơi có con sông Mae Khlong. Khu vực này tổ chức lễ hội Loy Krathong mang phong cách rất riêng và có gì đó khác lạ hơn so với những nơi khác. 

Ayutthaya

Nếu bạn không tiện để đến Sukhothai, Ayutthaya sẽ là lựa chọn thay thế vì nơi đây từng là một thủ đô khác của Thái Lan cổ đại. Tương tự như Sukhothai, bạn sẽ được tham gia lễ hội trong không gian của thành phố cổ 650 năm tuổi. Ngoài ra, nơi đây còn có những buổi biểu diễn văn hóa tại khu vực Bảo tàng Quốc gia và Tượng đài Suriyothai.

Rẽ bánh một chút lên phía bắc của Ayutthaya, thành phố Suphanburi cũng chào đón một lượng lớn du khách nước ngoài đến tham gia. Nếu so sánh, Suphanburi có không gian rộng rãi hơn và cho phép thả krathong nhiều hơn Ayutthaya, số lượng có thể lên đến 1.000 krathong trên dòng sông Ping. 

Chiang Mai

Chiang Mai là một địa điểm tiện lợi, kết hợp 2 trong 1. Bởi, cùng thời gian tổ chức lễ hội Loy Krathong, Chiang Mai còn đón nhận thêm lễ hội Yi Peng. Khác với lễ hội Loy Krathong khi mọi hoạt động sẽ liên quan đến nước, thì Yi Peng là lễ hội thả đèn trời. 

Tuy có ý nghĩa văn hóa tương tự nhau, nhưng Yi Peng có quy mô nhỏ hơn và chỉ được tổ chức ở Chiang Mai. Nếu muốn tham dự lễ hội Yi Peng, du khách có thể mua vé tại sân Lanna Dhutanka, cách thành phố 13km. 

Quay về lễ hội Loy Krathong tại Chiang Mai, du khách có thể lựa chọn nhiều điểm tổ chức lễ hội như cầu Saphan Nophawat, Wat Chai Mongkhol, Wat Pan Tao hoặc Wat Chedi Luang. Tuy nhiên, cầu Saphan Nophawat thì khá ồn ào. Nếu bạn muốn không gian yên tĩnh, mang một chút cổ kính thì ba địa điểm sau sẽ phù hợp cho bạn hơn. 

Kinh nghiệm tham gia lễ hội Loy Krathong

Để tham gia trọn vẹn lễ hội Loy Krathong, du khách cần lưu lại ngay những kinh nghiệm thực tiễn dưới đây nhé!

  • Bạn nên đặt trước vé máy bay ít nhất 1-2 tháng. Hằng năm vào dịp lễ hội hoa đăng, lượng du khách đổ về Thái Lan rất lớn. Do đó, giá vé máy bay sẽ mắc hơn ngày thường và cũng khó để đặt mua. Ngoài ra, để hạn chế vấn đề rác thải làm ô nhiễm nguồn nước, chính phủ Thái Lan có thể sẽ hạn chế một vài chuyến bay trong thời gian diễn ra lễ hội hoặc trước 1, 2 ngày.
  • Tương tự vé máy bay, khách sạn cũng nên đặt càng sớm càng tốt nhé. Tất nhiên rằng giá khách sạn sẽ rất cao trong mùa lễ hội. Bạn có thể tiết kiệm chi phí nếu lựa chọn những khách sạn xa trung tâm một tí, các nhà nghỉ từ người dân địa phương hoặc thuê phòng dorm. 
  • Tuyệt đối cẩn thận tài sản cá nhân, đồ vật mang giá trị lớn khi tham gia lễ hội. Vì xung quanh sẽ rất đông người và cảnh sát cũng không thể kiểm soát nổi. 
  • Bạn có thể mua đèn (krathong) dọc hai bên đường gần khu vực tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, nên lựa chọn nơi bán càng xa với khu vực đó thì giá sẽ thấp hơn một ít. Bạn có thể đi chợ Thái Lan và chuẩn bị sẵn các lễ vật vào ban ngày để tiết kiệm chi phí nhé!
  • Chỉ một vài khu vực được phép thả đèn, bạn không nên tự ý thả những khu vực khác vì có thể gây ra cháy nổ hoặc bị phạt. Trong lúc thả đèn, bạn cũng nên cẩn thận xung quanh và hạn chế đi đến khu vực vắng người. 

Lễ hội Loy Krathong là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Thái Lan. Có lẽ do đời sống gắn liền với sông nước, người dân Thái Lan rất coi trọng và tôn kính lễ hội Loy Krathong. Họ xem đây là một lễ hội quan trọng và tổ chức vô cùng hoành tráng. Do đó, nếu có dịp đến thăm “đất nước của những nụ cười”, hãy một lần trải nghiệm lễ hội Loy Krathong để hiểu hơn về nét đẹp văn hóa Thái Lan!