Schengen gồm những quốc gia nào?

Khối Schengen gồm những quốc gia nào luôn là thắc mắc của nhiều du khách khi dự tính đi Châu Âu. Bên cạnh đó, một số người vẫn lầm tưởng rằng liên minh Châu Âu (EU) với khối Schengen là như nhau. Thực tế thì chúng là hai tổ chức khác biệt. Bài viết này sẽ đem lại một số thông tin liên quan về khối Schengen để bạn tham khảo như: Schengen gồm các nước nào, xin visa Schengen có lợi không,…

Hiệp ước Schengen là gì?

Hiệp ước Schengen chính là một hiệp ước về sự đi lại tự do được một số nước Châu Âu cùng nhau ký kết. Hiệp ước Schengen đặt theo tên của thị trấn nhỏ Schengen thuộc Luxembourg. Thị trấn này nằm cạnh ngã 3 biên giới Pháp, Đức, Luxembourg và đó là nơi đã ký hiệp ước bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa 5 nước: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Đức vào năm 1985. Điều này giúp cho công dân của 5 nước trên được đi lại tự do trong vùng lãnh thổ 5 nước gọi chung là Vùng Schengen.

Từ khi thành lập vào ngày 14/6/1985 đến nay, khối Schengen đã được mở rộng nhiều lần từ 5 quốc gia ban đầu thành 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 26 quốc gia thuộc Schengen thì có 22 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và 4 nước không thuộc EU.

Schengen gồm những quốc gia nào?

Bạn cần phải biết chính xác Schengen gồm những quốc gia nào để xin visa Schengen hợp lý. Vì đa số khách du lịch muốn đi Châu Âu đều xin visa Schengen. Nhưng không phải tất cả những quốc gia Châu Âu đều nằm trong khối Schengen. Dưới đây là danh sách các quốc gia thuộc trong khối Schengen:

Bản đồ các quốc gia khối Schengen
Bản đồ các quốc gia khối Schengen
  1. Áo (Austria)

Là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới tính theo chỉ số GDP bình quân đầu người, nước Áo có diện tích 83.871km2 và dân số tầm 8.712.137 người. Quốc gia này đã ký hiệp định Schengen vào ngày 28/4/1995. Tuy nhiên, đến ngày 1/12/1997 thì hiệp định này mới bắt đầu được thực hiện. Nước Áo có vị trí ngay trung tâm châu Âu và nằm giáp biên giới với 8 quốc gia. Thủ đô của nó – Vienna – chính là một trong những điểm đến hàng đầu ở châu Âu đối với nhiều du khách. Chỉ tính riêng trong năm 2017 thì các đại sứ quán của nước Áo trên khắp thế giới đã nhận được số lượng 304.556 đơn xin thị thực (visa).

  1. Bỉ (Belgium)

Bỉ là một trong 5 quốc gia đầu tiên ký hiệp định Schengen vào ngày 14/6/1985 và bắt đầu thực hiện hiệp định này vào ngày 26/3/1995. Nằm ở khu vực Tây Âu, quốc gia này giáp với Pháp, Hà Lan, Đức và Luxembourg. Thủ đô của nó – Brussels – được xem là trung tâm hành chính của Liên minh Châu Âu (EU).

  1. Cộng Hoà Séc (The Czech Republic)

Quốc gia Trung Âu này có diện tích là 78.866km2 và giáp với Đức về phía Tây, giáp Áo về phía Nam, Slovakia về phía Đông và Ba Lan về phía Đông Bắc. Cộng Hoà Séc có nguồn thu đáng kể từ du lịch, nổi bật là thủ đô Praha – một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Cộng hòa Séc đã ký hiệp định Schengen vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu thực hiện vào ngày 21/12/2007.

  1. Đan Mạch (Denmark)

Đan Mạch có diện tích 43.094 km2 và nằm ở phía Tây Nam của Thụy Điển và phía Nam của Na Uy. Chính phủ Đan Mạch đã ký hiệp định Schengen vào ngày 19/12/1996 và bắt đầu thực hiện vào ngày 25/3/2001. Đất nước này có dân số khoảng 5.785.864 người và cũng là một trong những nước có mức sống cao nhất, không chỉ ở Châu Âu mà còn trên toàn thế giới.

  1. Estonia

Nằm ở phía bắc châu Âu, nước Estonia có phía Tây giáp Biển Baltic, phía Nam thì giáp Latvia, phía Bắc giáp Vịnh Phần Lan và phía Đông giáp Hồ Peipus và Nga. Với diện tích tầm 45.338 km2 và dân số là 1.312.442 cư dân thì đây được xem là một trong những quốc gia ít đông đúc nhất Châu Âu. Chính phủ Estonia đã ký hiệp định Schengen vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu thực thi vào ngày 21/12/2007.

  1. Phần Lan (Finland)

Phần Lan giáp với Na Uy về phía Bắc, giáp Thụy Điển về phía Tây Bắc và giáp Nga ở phía Đông. Quốc gia này nổi tiếng với hệ thống giáo dục và là một trong những quốc gia an toàn nhất và thân thiện với môi trường nhất trên thế giới. Phần Lan đã ký hiệp định Schengen vào ngày 19/12/1996 và bắt đầu thực hiện vào ngày 25/3/2001. Quốc gia này cũng thuộc danh sách các quốc gia khối Schengen được ghé thăm nhiều nhất.

  1. Pháp (France)

Là một quốc gia được ghé thăm nhiều nhất ở châu Âu, Pháp không chỉ có tháp Eiffel mà đất nước này còn được biết đến với rượu vang hảo hạng, nhiều di sản ấn tượng và các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sang trọng. Pháp có lãnh thổ giáp với 8 quốc gia châu Âu: Bỉ và Luxembourg ở phía Đông Bắc, Đức và Thụy Sĩ ở phía Đông, Ý và Monaco ở phía Đông Nam, Andorra và Tây Ban Nha ở phía Nam và Tây Nam.Pháp cũng là một trong năm quốc gia thành lập Khu vực Schengen vào ngày 14/6/1985, sau đó bắt đầu hiệp ước vào ngày 26/3/1995. Thêm một lưu ý nữa là Pháp được xem là quốc gia xin visa Schengen dễ nhất, bởi du lịch là lĩnh vực được Pháp rất chú trọng phát triển trong nền kinh tế đất nước.

  1. Đức (Germany)

Là vùng đất của những phát minh, nước Đức là thành viên đông dân nhất của khối EU và cũng là quốc gia châu Âu có đường biên giới với hầu hết các quốc gia khác. Nằm ở phía Tây và Trung Âu, Đức giáp với Đan Mạch ở phía Bắc, giáp với Ba Lan và Cộng hòa Séc ở phía Đông, giáp Áo ở phía Đông Nam, giáp Thụy Sĩ ở phía Nam-Tây Nam, giáp Pháp, Luxembourg và Bỉ ở phía Tây và giáp Hà Lan ở phía Tây Bắc. Cũng như Pháp, Đức là một trong năm quốc gia thành lập Khu vực Schengen vào ngày 14/6/1985, sau đó bắt đầu hiệp ước vào ngày 26/3/1995. Hộ chiếu Đức nằm trong top ba hộ chiếu quyền lực nhất trên thế giới, vì người Đức có thể đến thăm 188 quốc gia mà không cần xin thị thực (visa).

  1. Hy Lạp (Greece)

Được xem là cái nôi của nền văn minh phương Tây, Hy Lạp nằm tại khu vực ngã tư của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Biên giới của quốc gia này cũng có sự thay đổi nhiều và hiện nay thì Hy Lạp giáp Albania ở phía Tây Bắc, giáp Bắc Macedonia và Bulgaria ở phía Bắc, giáp Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Bắc. Hy Lạp đã ký hiệp định Schengen vào ngày 6/11/1992 và bắt đầu thực hiện vào ngày 1/1/2000. Hy Lạp có một nền di sản văn hóa độc đáo, những hòn đảo và bãi biển tuyệt đẹp nên là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

  1. Hungary

Nằm ở khu vực Trung Âu, Hungary có diện tích 93.030 km2 và chung biên giới đất liền với Slovakia ở phía Bắc, Ukraine ở phía Đông Bắc, Áo ở phía Tây Bắc, Romania ở phía Đông, Serbia ở phía Nam, Croatia ở phía Tây Nam và Slovenia ở phía Tây. Quốc gia này đã ký hiệp định Schengen vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu thực hiện vào ngày 21/12/2007. Khi nói đến du lịch thì Hungary là một trong những điểm đến du lịch chữa bệnh chính ở Châu Âu. Chỉ riêng trong lĩnh vực du lịch nha khoa, quốc gia Hungary đã chiếm tỷ lệ 42% ở châu Âu và 21% trên toàn thế giới.

  1. Iceland – không thuộc EU

Quốc đảo Bắc Âu này nằm ở Bắc Đại Tây Dương và du lịch sinh thái cũng như hoạt động ngắm cá voi là một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu khi ghé thăm Iceland. Lần đầu tiên quốc gia này ký hiệp định Schengen là vào ngày 19/12/1996. Sau đó đã ký tiếp hiệp định thứ hai, thay thế hiệp định thứ nhất, vào ngày 18/5/1999 sau khi Hiệp ước Amsterdam đưa hiệp định này vào luật của EU. Cuối cùng Iceland đã bắt đầu thực hiện hiệp ước Schengen vào ngày 25/3/2001.

  1. Ý (Italy)

Nằm ở trung tâm của Biển Địa Trung Hải, Ý có biên giới lãnh thổ giáp với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia, San Marino và Thành phố Vatican. Dân số tầm 59.429.938 người nên Ý chính là quốc gia thành viên đông dân thứ tư của EU. Kế thừa nền văn hoá của Đế chế La Mã hùng mạnh, nước Ý là mảnh đất có bề dày lịch sử tuyệt vời nên không quá ngạc nhiên khi nơi đây là một trong các điểm du lịch hàng đầu Châu Âu. Ý đã thực hiện hiệp định Schengen vào ngày 26/10/1997 sau khi đã ký trước đó vào ngày 27/11/1990.

  1. Latvia

Quốc gia Latvia có chung biên giới với Estonia ở khu vực phía Bắc, Litva ở phía Nam, phía Đông là Nga và Belarus ở phía Đông Nam. Đất nước này đã ký hiệp định Schengen vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu thực hiện vào ngày 21/12/2007. Thủ đô của Latvia là Riga – được biết đến nhờ di sản đa văn hóa và Phố Cổ, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Riga mệnh danh là Thủ đô Văn hóa Châu Âu vào năm 2014.

  1. Liechtenstein – không thuộc EU

Liechtenstein là một tiểu bang nói tiếng Đức không giáp biển kép ở Trung Âu. Nó chỉ có diện tích 160 km2 và 37.666 cư dân nên trở thành quốc gia nhỏ thứ 4 ở châu Âu. Liechtenstein có chung biên giới với Thụy Sĩ về phía Tây và Nam, giáp Áo ở phía Đông và phía Bắc. Đất nước này có địa hình chủ yếu là đồi núi nên sẽ là điểm đến thể thao mùa đông hấp dẫn. Hiện tại thì đây là quốc gia cuối cùng gia nhập khu vực Schengen không biên giới sau khi ký hiệp định IO.

  1. Lithuania

Nước Lithuania giáp với Latvia về phía Bắc, Belarus ở phía Đông và phía Nam, Ba Lan về phía Nam và Kaliningrad Oblast (là một vùng lãnh thổ của Nga) ở phía Tây Nam. Lithuania đã ký hiệp định Schengen vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu tiến hành vào ngày 21/12/2007. Có ba Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận ở Lithuania.

  1. Luxembourg

Đây là một trong những quốc gia sáng lập của hiệp định Schengen được ký kết vào ngày 14/6/1985 tại làng Schengen ở Luxembourg. Thủ đô của quốc gia này – Thành phố Luxembourg – là một trong ba thủ đô chính thức của Liên minh Châu Âu (EU). Theo xếp hạng theo GDP, Luxembourg là quốc gia giàu thứ hai trên thế giới, đồng thời còn là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới.

  1. Malta

Malta đã ký hiệp ước Schengen vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu thực hiện vào ngày 21/12/2007. Về du lịch, quốc gia này chủ yếu được biết đến với khung cảnh những bãi biển. Ngoài ra, điểm du lịch hấp dẫn khác đối với du khách ở Malta cũng là các kỳ quan cổ đại như Hagar Qim đã có 5.000 năm tuổi hoặc Hal Saflieni Hypogeum hơn 4.000 năm tuổi.

  1. Hà Lan (The Netherlands)

Nổi tiếng với những bông hoa tulip đầy màu sắc, nhiều cối xay gió và những miếng pho mát ngon, Hà Lan cũng là quốc gia được nhiều du khách muốn ghé thăm. Quốc gia này giáp với Đức về phía Đông, Bỉ về phía Nam và Biển Bắc ở phía Tây Bắc. Hà Lan cũng là một trong năm quốc gia sáng lập của hiệp ước Schengen, được ký kết vào ngày 14/6/1985. Ngoài ra, quốc gia này còn là thành viên sáng lập của EU, Eurozone, G10, NATO, OECD và WTO.

  1. Na Uy (Norway) – không thuộc EU

Đất nước Na Uy có lãnh thổ giáp với Phần Lan và Nga về phía Đông Bắc, giáp eo biển Skagerrak ở phía Nam. Na Uy thu hút du khách chủ yếu nhờ các vịnh hẹp tuyệt đẹp và di sản văn hoá Viking của nó. Đầu tiên, Na Uy đã ký hiệp định Schengen vào ngày 19/12/1996. Sau đó ký hiệp định thứ 2 vào ngày 18/5/1999. Cuối cùng, Na Uy bắt đầu thực hiện hiệp định Schengen này vào ngày 25/3/ 2001. Quốc gia này được mệnh danh là vùng đất của mặt trời lúc nửa đêm vì một số khu vực nhất định ở Na Uy nhận được ánh sáng mặt trời 24 giờ trong một phần của mùa hè.

  1. Ba Lan (Poland)

Ba Lan là một quốc gia thuộc EU nằm ở khu vực Trung Âu và có chung biên giới với Đức, Nga, Litva, Ukraine, Slovakia, Cộng hòa Séc và Belarus. Thành phố nổi tiếng và được ghé thăm nhiều nhất ở Ba Lan là Warsaw – một thị trấn thời trung cổ. Ba Lan còn được biết đến với Vườn quốc gia Tatra và khu rừng Bialowieza. Đất nước này đã ký hiệp định vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu thực hiện vào cuối năm 2007.

  1. Bồ Đào Nha (Portugal)

Nằm ở cực Tây của châu Âu, Bồ Đào Nha chỉ có chung biên giới với Tây Ban Nha ở phía Bắc và phía Đông. Được biết đến với bóng đá, những bãi biển đẹp và các di tích lịch sử, đất nước này thu hút nhiều du khách ghé thăm. Bồ Đào Nha đã ký hiệp định Schengen cùng với nước láng giềng duy nhất là Tây Ban Nha vào ngày 25/6/1991 và bắt đầu thực hiện vào ngày 26/3/1995.

  1. Slovakia

Là một quốc gia không giáp biển ở Trung Âu, Slovakia có chung đường biên giới ở phía Bắc với Ba Lan, Ukraine ở phía Đông, Cộng hòa Séc ở phía Tây, Hungary ở phía Nam và Áo ở phía Tây Nam. Vào ngày 16/4/2003, nước này ký hiệp ước Schengen. Sau đó đã thực hiện vào ngày 21/12/2007.Lâu đài Spiš của nước Slovakia nằm trong danh sách Di sản Văn hóa và Tự nhiên Thế giới của UNESCO công nhận.

  1. Slovenia

Slovenia có lãnh thổ giáp với Ý về phía Tây, Áo về phía Bắc, Hungary về phía Đông Bắc, Croatia về phía Đông Nam. Đây cũng là một trong các quốc gia nhỏ nhất của khối Schengen. Đất nước này gia nhập Schengen vào ngày 16/4/2003 và bắt đầu thực hiện hiệp định Schengen vào ngày 21/12/2007.

  1. Tây Ban Nha (Spain)

Tây Ban Nha có chung phần biên giới đất liền ở phía Bắc và Đông Bắc với Pháp, Andorra và Vịnh Biscay, còn về phía Tây và Tây Bắc là với Bồ Đào Nha. Đây là quốc gia lớn thứ hai trong khối EU với dân số tầm 46.347.576 người. Đấu bò tót, lễ hội La Tomatina và Tiệc của Ibiza là một trong những sự kiện được nhiều du khách biết đến và tham dự nhiều nhất ở Tây Ban Nha. Quốc gia Tây Ban Nha đã ký hiệp ước Schengen cùng với Bồ Đào Nha vào ngày 25/6/1991 và bắt đầu thực hiện vào ngày 26/3/1995.

  1. Thuỵ Điển (Sweden)

Thụy Điển là một quốc gia thuộc vùng Scandinavia nằm ở phía Bắc Âu, có chung biên giới với Na Uy và Phần Lan. Đất nước này kết nối với Đan Mạch bằng một đường hầm cầu qua Öresund, là một eo biển ở biên giới Thụy Điển – Đan Mạch. Nước Thụy Điển đã ký hiệp định vào ngày 09/12/1996 và bắt đầu thực hiện sau đó vào ngày 25/3/2001.

  1. Thuỵ Sĩ (Switzerland) – không thuộc EU

Là một quốc gia không thuộc EU, Thụy Sĩ đã trở thành một thành viên của khối Schengen sau khi ký hiệp ước Schengen vào ngày 26/10/2004 và bắt đầu thực hiện vào ngày 12/12/2008. Đất nước này giáp Ý ở phía Nam, giáp Pháp ở phía Tây, giáp Đức ở phía Bắc, và Áo cùng Liechtenstein ở phía Đông. Nền kinh tế của Thụy Sĩ là một trong những nền kinh tế lớn mạnh ở châu Âu nên người dân nơi đây cũng có mức sống khá cao so với trên thế giới.

Các ưu điểm của khối Schengen

Nhờ hiệp định Schengen mà việc đi lại giữa các nước Châu Âu dễ dàng hơn. Từ đó đã có thêm nhiều thuận tiện, lợi ích hơn như là:

  • Những công dân của các nước thành viên Schengen hoặc đã được cấp visa Schengen thì sẽ được tự do đi qua biên giới các nước thuộc khối Schengen mà không bị kiểm tra biên giới. 
  • Điều kiện visa Schengen nhập cảnh và lưu trú ngắn hạn tạo nên sự đồng nhất, hài hoà cho tất cả các quốc gia thành viên.
  • Giúp cho thời gian di chuyển hàng hóa trên khắp châu Âu giảm xuống đáng kể. Trước đây, có thể mất rất nhiều thời gian để xe tải có thể đi qua biên giới của một nước nào đó. Còn bây giờ họ có thể vượt qua biên giới dễ dàng, nhanh chóng và đơn giản hơn. Từ đó chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn.
  • Cải thiện tốt hơn sự hợp tác giữa cảnh sát các nước thành viên khối Schengen.
  • Đặc quyền hợp tác tư pháp giữa các thành viên, bao gồm cả việc dẫn độ tội phạm nhanh hơn và việc di dời dễ dàng hơn để thi hành các bản án hình sự
  • Cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ nâng cao hơn, hỗ trợ các quốc gia thành viên trao đổi nhanh chóng thông tin về con người và hàng hóa giữa họ, được gọi chung là SIS

Những nước nào không thuộc khối Schengen ở Châu Âu

Ngoài việc nhớ tên các nước thuộc Schengen thì bạn cũng nên lưu ý các quốc gia ở Châu Âu không nằm trong khối Schengen. Việc này sẽ giúp bạn biết là có nên xin thêm visa ở đất nước đó hay chỉ cần visa Schengen là đủ khi du lịch Châu Âu. Các quốc gia châu Âu không thuộc khối Schengen đó là: Albania, Andorra, Armenia, Azerbaijan, Belarus, liên bang Bosnia và Herzegovina, Croatia, Cyprus, Georgia, Ireland, Kosovo, Bắc Macedonia, Moldova, Monaco, Montenegro, Romania, Nga, San Marino, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh và Thành phố Vatican.

Một số câu hỏi liên quan về Schengen?

Vương quốc Anh có thuộc khối Schengen?

Câu trả lời là không. Nếu muốn đi Anh thì công dân Việt Nam cần xin visa Anh và không sử dụng được visa Schengen. 

Có thể đi nhiều quốc gia thành viên thuộc khối Schengen chỉ với một visa Schengen?

Được. Sau đi đã cấp visa Schengen thì bạn được phép đi lại giữa các quốc gia thuộc khối Schengen miễn là không vượt quá thời gian cấp phép trong visa của mình.

Có quốc gia Châu Âu nào không thuộc khối Schengen nhưng vẫn chấp nhận visa Schengen hay không?

Có. Một số nước Châu Âu không thuộc khối Schengen nhưng vẫn chấp nhận visa Schengen như là Monaco, San Marino, Vatican.

Khối Schengen có khác biệt gì so với Liên minh Châu Âu (EU)?

Khác với khối Schengen có những thoả thuận đi lại giữa các quốc gia thành viên thì liên minh Châu Âu (EU) chỉ là liên minh các nền kinh tế nhằm chia sẻ nguồn lực chung để thúc đẩy kinh tế phát triển.