Sài Gòn – nơi “chứa chấp” những kẻ ngụ cư

“Ngụ cư” là từ dùng để chỉ việc sinh sống ở một nơi không phải quê hương bản quán của mình. Những người như vậy được gọi là dân ngụ cư, kẻ ngụ cư.

Ở trên dãy đất hình chữ S này có lẽ không đâu có số lượng người ngụ cư đông như Sài Gòn, cứ năm này qua năm khác số lượng người ngụ cư ở hòn ngọc viễn đông lại mỗi nhiều hơn. Thế nhưng, Sài Gòn không xa lánh mà vẫn dang tay “chứa chấp những kẻ ngụ cư”.

Dân ngụ cư đến Sài Gòn từ khi nào?

Lịch sử Sài Gòn lấy sự kiện năm 1698 khi chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định làm dấu mốc đánh dấu sự ra đời của thành phố. Tuy nhiên vùng đất Sài Gòn trước đó vốn dĩ không phải là đất của người Việt mà là đất của người Khmer thuộc vương quốc Thủy Chân Lạp. Theo dòng lịch sử, người Việt đã di dân vào đây, sau đó xuất hiện thêm người Hoa, người Chăm,…

Vào thời nhà Nguyễn, Sài Gòn được xây dựng như một trung tâm về hành chính và kinh tế của khu vực Nam Bộ gọi là Gia Định thành, Gia Định kinh. Sau khi chiếm đóng Sài Gòn, người Pháp đã quy hoạch nơi đây thành một đô thị lớn với mục đích khai thác thuộc địa. Sài Gòn trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa và giáo dục của toàn Đông Dương với danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông.

Ban đầu người Pháp dựa trên bản quy hoạch cũ của thống suất Nguyễn Cửu Đàm để quy hoạch thành phố Sài Gòn cho khoảng 500.000 dân sinh sống với mật độ trung bình 20.000 dân/km2 (50m2/người, gồm cả đường sá, công viên…). Tuy nhiên thực thế làm cho người Pháp phải suy nghĩ lại và thu nhỏ quy hoạch, qua quá trình phát triển Sài Gòn lại được mở rộng dần sau cùng hợp nhất với Chợ Lớn để thành Sài Gòn – Chợ Lớn.

Đến thời Ngô Đình Diệm thì Sài Gòn – Chợ Lớn được đổi tên thành Sài Gòn với 8 Quận, rồi dần dà lại tiếp tục được mở rộng như hiện nay.

Dân số Sài Gòn qua quá trình lịch sử cũng có sự thay đổi: năm 1945 dân số của Sài Gòn khoảng 500.000 dân, đến năm 1949 thì tăng lên hơn 1.200.000 dân và sang năm 1954 khi mà có hàng trăm nghìn người từ khu vực phía Bắc di cư vào thì dân số Sài Gòn đạt 2.000.000 dân. Kể từ đó về sau, sự đông đúc và chật chội như là một phần của thành phố náo nhiệt bậc nhất Việt Nam này.

Vậy dân ngụ cư đến Sài Gòn từ khi nào? Là người Việt vốn dĩ đã là dân ngụ cư hay những ai đến vùng đất này sau năm 1698 đều là dân ngụ cư hay những người di cư đến Sài Gòn sau khi cái tên này ra đời mới là dân ngụ cư?

Ai là người Sài Gòn gốc?

Hỏi ai là dân ngụ cư thì cũng nên hỏi xem ai là người Sài Gòn gốc? Nhiều người ở Sài Gòn bây giờ xem mình là người Sài Gòn gốc tuy nhiên đâu là “dấu hiệu” để nhận biết? Hầu hết chúng ta đều cho rằng người Sài Gòn là người dân sống ở Sài Gòn trước năm 1975 hoặc xa hơn là năm 1945 tuy nhiên với những thông tin đã chia sẻ ở trên thì vấn đề này cũng cần xem lại.

Có một vấn đề là không thể không thừa nhận rằng Sài Gòn từ khi ra đời cho đến nay luôn dang tay chào đón bao kẻ ngụ cư đến rồi đi mà kẻ đến nhiều hơn người đi. Và cũng không thể không phủ nhận những kẻ ngụ cư đã góp phần giúp cho Sài Gòn phát triển hơn, hiện đại hơn và tất nhiên cũng mang đến không ít những điều phiền toái.

Người ta vẫn xem những người ngụ cư Sài Gòn sau năm 1954 và 1975 là nguyên nhân gây ra những điều không tốt cho Sài Gòn hiện tại với các tệ nạn xã hội, làm mất đi bản sắc của hòn ngọc Sài Gòn xưa nhưng cần biết rằng đâu cũng có kẻ xấu, đâu cũng có người tốt, Ở Hà Nội và Đà Nẵng vẫn ít cướp giật hơn Sài Gòn.

Mỗi ngày cứ trôi đi, dòng người vẫn cứ tập nập trên các con phố. Sài Gòn chưa bao giờ ngủ như trước giờ, nó vẫn cứ nhẹ nhàng về đêm, vẫn cứ náo nhiệt vào ban ngày, vẫn cứ kiêu kỳ như một cô gái đang yêu, luôn nồng nàn đón nhận tình yêu của những kẻ ngụ cư xa lạ.

Có người ở mấy đời nhưng cái bản tính xấu vẫn cứ xấu, có kẻ mang tiếng ngụ cư nhưng “nền nếp gia phong” tốt và luôn cố gắng đóng góp cho mảnh đất nơi mình cư ngụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *